Mùa bông ô môi mang vẻ đẹp chân chất của miền Tây
Nhiều lần ngược xuôi trên những con đường đầy nắng của đất An Giang, tôi thường bắt gặp những tán ô môi trổ bông rực rỡ khi mùa hạ buông xuống cái nắng chang chang. Khi ấy, ký ức của tuổi thở bỗng chốc hiện về qua những cánh hoa phơn phớt hồng ẩn chứa vẻ đẹp thanh tao, dù cái tên ô môi đã gắn liền với sự chân phương nơi chốn ruộng đồng. Thật vậy! Nếu một lần nhìn kỹ, bạn sẽ thấy bông ô môi rất đẹp. Nó rực rỡ, hiền hòa và chân chất như cô gái quê. Bởi thế, người ta không ngần ngại ca ngợi ô môi là “hoa đào của miền Nam” bởi sự trắng trong, tinh khiết rất riêng của nó.
Ngược thời gian, tôi vẫn nhớ như in ký ức về loài cây dân dã ấy. Trong suy nghĩ của tuổi thơ, đám nhóc chúng tôi chỉ biết bông ô môi rất đẹp mà trái ô môi thì rất ngon, ngon theo kiểu nhà quê! Tết đi qua, ruộng đồng khô khốc trong mùa nắng cháy. Cứ tưởng trời đất ấy chẳng có loài cây nào tươi tắn nổi. Ấy thế mà ô môi lại chọn đó là mùa đẹp nhất của mình. Năm nào “hạn bà chằn” thì y như rằng ô môi sẽ trổ bông càng rực rỡ. Và điều ấy cứ như là niềm “an ủi” cho thằng nhóc quê như tôi trong cái thuở chân trần, đầu tóc vàng hoe suốt ngày lang thang ngoài đồng xa bắt dế, thả diều!
Hương vị trái ô môi gợi nhớ đến ký ức thuở thiếu thời
Trong những ngày ô môi đẹp nhất, chúng tôi hay leo lên cây bẻ từng nhánh bông rực rỡ. Hồi ấy thơ ngây, chẳng biết mang hoa tặng những cô bạn cùng xóm. Chỉ thỉnh thoảng rủ nhau chơi cất nhà chòi, rồi lấy bông ô môi trang trí cho cái “mái ấm” trẻ con ngày đó. Mà các bạn ấy cũng mê bông ô môi lắm! Đôi mắt cứ dán vào những chùm hoa hồng thắm mà đôi má dường như cũng ngã sang cái màu sắc dễ thương kia. Chẳng biết mấy cô bạn nghĩ gì, nhưng bông ô môi cứ còn đọng mãi trong ký ức của tôi về một thời thơ dại mà sôi nổi ấy.
Mùa bông đi qua, ô môi bắt đầu có trái. Những trái ô môi dài 3-4 tấc, kết tinh vị ngọt của đồng quê cứ lủng lẳng trên cành. Đám con gái trong xóm muốn ăn phải rủ mấy thằng con trai leo lên hái xuống. Dụng cụ mang theo là chiếc dao lớn để rọc 2 bên thân trái. Những mắc ô môi đen sì dần lộ ra khiến đám nhóc quê ngày đó thích thú. Có lẽ, cái vị ngòn ngọt chân quê cùng với nụ cười “đen nhánh” của mấy cô bạn ngày xưa khi ăn ô môi cứ làm tôi nhớ mãi cho đến bây giờ.
Lớn lên, tôi phải lăn lộn với cuộc sống nhưng mỗi lần nhìn thấy sắc hồng ô môi lại sực nhớ đến cái thời thơ ngây đã đi qua từ rất lâu. Theo bước đi của thời gian, ô môi vẫn còn đó cùng quy luật của đất trời. Những mùa hoa cứ đến rồi đi theo vòng quay tạo hóa nhưng nó cứ gợi lên nỗi nhớ mênh mông cho những ai thương mến quê nhà. Giờ đây, ô môi dần vắng mặt trong đôi mắt dân quê bởi người ta phải dành đất cho những loại cây mang giá trị kinh tế cao hơn. Bởi thế, loài hoa quê ấy cứ lui dần về chốn đồng xa, những nơi mà bàn tay con người chưa tác động nhiều.
Thi thoảng, tôi vẫn thấy những trái ô môi bày bán ở ven đường. Những ai đã lớn lên với ô môi luôn sẵn lòng ghé lại để mang về thứ trái quê đã nuôi dưỡng tâm hồn họ từ lúc còn thơ về thưởng thức. Sau những món quà bánh ê hề của thời hiện đại, được nếm lại mùi vị đặc trưng của trái ô môi bao giờ cũng khiến người ta cảm thấy thân thương đến lạ! Từ mùi vị trái ô môi, ký ức của tôi bỗng ngập tràn hình ảnh đám bạn ngây thơ thường tụ tập dưới bóng ô môi để cùng hái trái ăn chơi, cùng cười đùa khanh khách dưới cái nắng ban trưa đổ lửa.
Trong thời hiện đại, mùa bông ô môi vẫn đẹp. Nó khiến cho người ta phải ngước nhìn để lắng lòng với kỷ niệm xa xăm. Cánh nhiếp ảnh cũng khó lòng bỏ qua những mùa hoa rực rỡ ấy. Họ có thể bỏ ra nhiều ngày để “săn” cho được tấm ảnh đẹp về mùa bông ô môi. Tất cả đều muốn nhắc nhở mọi người về một mùa hoa chân phương, gần gũi và bình yên cứ lặng lẽ làm đẹp cho đời.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích thú khi ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp của những tán ô môi đầy nắng. Cuộc sống rồi sẽ có những đổi thay nhưng mùa bông ô môi vẫn cứ tồn tại ở một góc quê nào đó. Nó nhắc nhở tôi và những ai nặng tình với chốn quê nghèo hãy luôn nhớ về mấy cánh ô môi hồng tươi sắc nắng, để mãi không quên đi ký ức đẹp tươi của thuở thiếu thời!
THANH TIẾN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)