Thứ tư, 29/01/2020,13:10 (GMT+7)
“Mùa vàng” sáng tạo
Một “mùa vàng” bội thu giải thưởng sáng tạo được giáo viên, học sinh toàn tỉnh “gặt” về trong năm 2019. Đáng trân quý là mỗi dự án, mỗi sản phẩm học sinh làm ra đều có hơi thở của cuộc sống.
Học sinh Hậu Giang luôn tự tin khi thuyết trình các sản phẩm sáng tạo của mình.
 
Sản phẩm vì cuộc sống
 
Đứng cạnh ao nuôi cá của gia đình, ông Châu Văn Thơm, ông nội của em Châu Thế Khanh, cựu học sinh lớp 9A1, Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A (nay là học sinh lớp 10, Trường THPT Châu Thành A), phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có sản phẩm của cháu nội mà tôi nuôi cá khỏe. Khỏi phải xuống cho cá ăn, không cần xuống ao phun thuốc cho cá, chỉ cần đứng quan sát thôi. Tôi thấy rất vui, tự hào vì từ đam mê mà cháu mình đã sáng tạo được sản phẩm có ích cho người nuôi thủy sản”.
 
Em Lý Minh Mẫn (bìa trái) và em Châu Thế Khanh bên sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh”.
 
Câu chuyện hai em học sinh là Châu Thế Khanh, cựu học sinh lớp 9A1 và Lý Minh Mẫn, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Võ Thị Sáu sáng tạo thành công sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh”, làm rộn ràng cả không khí ngày xuân làng quê. Khanh thổ lộ: “Sản phẩm em đạt giải nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXV năm 2019. Đây là niềm vui rất lớn cho chúng em. Chúng em đang cùng với giáo viên hướng dẫn tiếp tục nâng cấp thêm một số tính năng để sản phẩm phù hợp hơn cho người sử dụng”.
 
Sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” được thực nghiệm tại ao.
 
Em Khanh bén duyên với nghiên cứu khoa học từ năm lớp 7, đến năm lớp 8, em đã cho ra đời sản phẩm đầu tay “Bếp gas mini an toàn”. Còn “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” là sản phẩm thứ 2 em cùng bạn sáng tạo thành công vào năm học lớp 9.
 
Chia sẻ cơ duyên mình và Mẫn bắt tay thực hiện sản phẩm này, em Khanh cười tươi: “Mấy lần về thăm ông nội, em thấy ông nuôi cá cực quá, vừa phải cho cá ăn, phun thuốc trị bệnh cho cá, rồi những hôm phải thức trông ao đề phòng mất trộm... nên em thấy cần một sản phẩm tự động hóa, để hỗ trợ người nuôi thủy sản bớt vất vả, không bị ảnh hưởng sức khỏe khi phun thuốc mà vẫn đảm bảo được chất lượng cá khi thu hoạch”.
 
Còn em Mẫn thì thổ lộ: “Em và anh Khanh cùng tham gia vào câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của nhà trường. Khi nghe anh Khanh trình bày ý tưởng với thầy và các bạn, em thấy rất thú vị và bị hấp dẫn ngay nên đã chủ động chia sẻ ý tưởng của mình. Không ngờ em và anh Khanh rất hợp ý nhau”.  
 
Hướng mắt về chiếc máy cho cá ăn đang chạy ro ro trên mặt nước, thầy Nguyễn Minh Tường, giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện sản phẩm, chia sẻ: “Điểm khó khi thực hiện sản phẩm này là trên thị trường đã có người nghiên cứu nên việc tạo ra một sản phẩm sáng tạo, với các tính năng ưu việt nhất mà sản phẩm có thể mang lại cho người nuôi thủy sản là điều quan trọng. Rồi việc hướng dẫn cho học sinh cách viết lập trình, viết đoạn code lập trình điều khiển phần cứng...”.
 
Từ ý tưởng sáng tạo thành thương phẩm
 
Là kết quả khi thực hiện dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của em Mai Trí Công và Khưu Dịch Tiến, học sinh lớp 11VL, Trường THPT chuyên Vị Thanh. Sản phẩm không chỉ mang lại vinh dự cho ngành giáo dục tỉnh nhà trong năm mới, với giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam, dự án còn được chọn triển lãm, dự thi tại nhiều sự kiện, cuộc thi lớn như: “Tri thức trẻ vì giáo dục”, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên tại Hà Nội...
 
Phấn khởi với những dự định cho ngày xuân, em Khưu Dịch Tiến thổ lộ: “Chúng em và giáo viên hướng dẫn đang tích cực thiết kế thêm mẫu mã sản phẩm, nâng cấp một số chức năng, hướng đến tạo nên thương hiệu cho sản phẩm sáng tạo của nhóm. Để sản phẩm mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nuôi cua đinh mà giá thành thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/máy ấp trứng”.
 
Thầy Huỳnh Sinh Lel chia sẻ: “Lợi thế của nhóm là các em rất siêng và chịu khó nghiên cứu. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ về trứng cua đinh, kỹ thuật nuôi, cách ấp trứng cua đinh thủ công của người nuôi, nên thầy trò đã mày mò nghiên cứu, thiết kế các thiết bị, gắn các cảm biến vào thùng xốp ấp trứng cua đinh, cài đặt phần mềm theo dõi bằng điện thoại di động, có gắn camera quan sát giúp theo dõi...”. Với những tính năng vượt trội, dự án giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát quá trình ấp trứng cua đinh và đạt được tỷ lệ trứng nở 100%.
 
Vào những ngày năm hết tết đến, lại có nhiều cuộc điện thoại gọi đến để tìm hiểu kỹ sản phẩm, để đặt hàng nhóm thực hiện cho họ “Máy ấp trứng cua đinh thông minh”, càng tiếp thêm động lực để thầy và trò biến ý tưởng của mình thành thương phẩm bán chạy trên thị trường.
 
Niềm vui sáng tạo
 
Là một trong những dự án được đánh giá cao vì tính ứng dụng thực tế, “Thiết bị chà rong rêu bằng động cơ điện” của thầy và trò Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, làm mọi người phải thán phục. Trong thời gian 90 phút, chiếc máy sáng tạo của nhóm sẽ làm sạch được cả hai bên mép đường với chiều dài hơn 150m chỉ bằng một bước thực hiện. Còn nếu làm theo phương pháp thủ công bình thường cần nhiều người làm, rất tốn thời gian.
 
Từ những ưu điểm mang lại, sản phẩm đã xuất sắc đạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019. Em Nguyễn Phúc Khang, cựu học sinh lớp 9A6, Trường THCS Nguyễn Văn Quy (hiện là học sinh lớp 10 Trường THPT Ngã Sáu), chia sẻ: “Em rất mừng khi sản phẩm hoàn thành nhận được sự đánh giá rất khách quan từ mọi người. Với em, để có được ý tưởng không hề khó, khó là mình có quyết tâm để thực hiện ý tưởng trở thành những sản phẩm thật sự tiện ích cho cộng đồng”.
 
Nhiều em đã nhận giải thưởng toàn quốc với những sáng tạo ấn tượng.
 
Điểm ấn tượng của học sinh trong nghiên cứu khoa học năm qua là các dự án, sản phẩm của các em thể hiện được tính mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống cao. Sự đam mê, óc sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của học sinh là dấu son khẳng định “thương hiệu” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang với các tỉnh bạn trong khu vực và quốc gia.
 
Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Các em học sinh đã rất biết chủ động, sáng tạo trong phương pháp học. Các em đã biết vận dụng lý thuyết được học trong nhà trường vào trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều sản phẩm, dự án sáng tạo của học sinh làm ra giúp ích cho mọi người. Chúng tôi tự hào vì thành tích của các em đã đạt được”.
 
Chỉ 2 hội thi, học sinh Hậu Giang mang về 27 giải thưởng cấp quốc gia
 
- Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXV năm 2019, Hậu Giang đạt: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. Ngoài ra, còn có 3 giải dành cho thí sinh người dân tộc, 2 giải dành cho giáo viên đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức Hội thi Tin học trẻ giai đoạn 2015-2019. Với số lượng giải thưởng cao, đã giúp Hậu Giang vinh dự đứng thứ nhì toàn quốc, chỉ sau thành phố Đà Nẵng.
 
- Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam: Hậu Giang xếp hạng nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 1 giải nhất, 2 dự án đoạt giải tư, 14 dự án đoạt giải đặc biệt do các trường đại học trao tặng.
THẢO TRÂN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu