Thứ tư, 24/06/2020,14:01 (GMT+7)
Mùng Năm tháng Năm
 
Cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
 
Là Tết Đoan Ngọ, Tết Đoan Dương, ngày diệt sâu bọ, ngày giỗ Khuất Nguyên, ngày Từ Nguyễn lên tiên... nhưng lúc nhỏ chỉ biết đó là một ngày giữa năm rất thú vị. Hôm đó, mấy chị em cùng cha ra khoảng sân nhỏ trước nhà để nhìn mặt trời, nhớ chớp mắt mấy cái để quen ánh sáng và không bị đau mắt. Đứa nào cũng ngoan ngoãn “em nhíu mắt nhìn ông, ông nhíu mắt nhìn em”. Kết quả đâu chưa thấy nhưng hiện tại bốn trong năm anh chị em phải đeo kính cận, mùa đau mắt hột nào cũng có đứa “dính đòn”. Không hẳn do nhân - kết quả nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên thật khó quên.
 
Đó cũng là ngày háo hức, hồi hộp dậy từ sớm đi vườn kiếm nấm mối đầu mùa. Cảm thấy hí hửng khi gặp được mấy em nó từ dưới đất chui lên chào đón hoặc có khi hậm hực vì đã bị ai đó phỗng tay trên. Rồi lùng sục hái rau vườn, nào lá cách xanh nồng, đọt chiếc non tơ, đọt mọt lụa là mơn mởn... để đem vào nhà ăn với bánh xèo mẹ đổ. Tất tần tật các thứ đều thủ công, cây nhà lá vườn. Từ khâu xay bột bằng cối đá, nạo dừa, mài bột nghệ, chài bắt tép, nấm mối vườn nhà... chỉ có thịt ba rọi và cục mỡ to tráng chảo là hàng chợ. Không giấu được sự háo hức, thèm thuồng, cả bọn xúm xít, quanh quẩn bên bếp đợi canh cái bánh bị bể bụng không thể cúng ông bà tổ tiên, để xin ưu tiên ăn trước hoặc lén lén rứt cái rìa bánh giòn giòn rồi co giò bỏ chạy khi mẹ phát hiện. Ăn vụng thì bao giờ cũng ngon nên cứ nhớ hoài!
 
Trước đó mấy ngày, phụ mẹ làm cơm rượu đợi đến hôm mùng Năm tháng Năm dỡ ra “diệt sâu bọ”. Chẳng rõ bọn chúng có bị nhấn chìm trong hương thơm nồng hay không nhưng vị ngòn ngọt của cơm rượu đã quyến rũ bọn mình từ bé. Độ men cơm rượu vừa đủ để ủ hồng ký ức tuổi thơ, không thể làm mình say quên trời đất mặc cho tửu lượng cao hay thấp. Rồi khi trời đứng bóng mười hai giờ trưa, bọn trẻ đố nhau tìm được thằn lằn trên trần, tường, vách nhà. Bình thường bất kể giờ giấc nào, chỉ cần ngó quanh là dễ dàng bắt gặp một vài con, có khi chúng rượt đuổi nhau cho đến lúc rụng cả chiếc đuôi rớt xuống đất còn ngúc ngắc. Nhưng thật lạ kỳ, bữa đó sao tìm hoài không thấy…
 
Chảy theo dòng cuộc sống, những mùng Năm tháng Năm cứ đến rồi trôi qua, để hôm nay quay trở về. Sáng vừa thức dậy, cháu điện nói mẹ bắt nhìn ông mặt trời và thỏ thẻ: “Mẹ và các cậu dì cũng nhìn thế nhưng tại sao mọi người cận hết nhưng mẹ con thì không?”. Lòng bỗng rưng rưng muốn nói vì mẹ hy sinh việc học lên để nuôi dì cậu đi học, rồi dì cậu đi làm và phải đeo kính. Còn mẹ làm nông dân nên cứ thoải mái ngó trời ngó đất. Nhưng để trẻ được trọn niềm vui trong sự tin tưởng thơ ngây, chỉ nói rằng mẹ con chăm chú nhìn mặt trời, còn các dì cậu mê chơi không nghe lời ông nên thế. Sau này lớn lên, chúng khắc hiểu!
 
Trưa, em hỏi mẹ có làm bánh xèo, cơm rượu không! Bây giờ, muốn ăn mấy món này ngày nào cũng có, đâu chỉ đợi đến ngày này. Không mua ở hàng quán thì mua bột đóng gói đã pha sẵn, đâu chỉ đợi mẹ làm. Nhưng được thưởng thức cơm rượu chính tay mẹ làm mới chịu. Chiều, em điện hỏi có nấm mối chưa. Hôm nay chưa có, để xem nước rằm hay ba mươi sau thế nào nhưng năm nay thời tiết thất thường, biết đâu không có cơ hội “cứu trợ” vài ký lên thành phố. Em nói không có cũng không sao nhưng vẫn thích cảm giác hưng phấn mỗi lần được nhổ nấm mối, nhớ hương vị giòn ngọt của mấy tai nấm châm kim xào muối ớt. Tối, bạn cùng phòng thời đại học điện hỏi trưa nay có thấy thằn lằn không? Tao tìm mỏi mắt ở văn phòng cũng không thấy em nào, lạ vậy! Bốn mươi tuổi rồi mà vẫn còn ngây thơ như thế!
 
Mùng Năm tháng Năm, mình tìm “vé đi về tuổi thơ” qua sự nhắc nhớ của người thân, bạn bè thế đấy!
 
Bài, ảnh: Ngọc Thi - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu