Thứ hai, 05/04/2021,10:30 (GMT+7)
Muốn xuất khẩu lao động học ngành gì?
Đó là câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra trong suốt các buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức. Thực tế, các trường ĐH, CĐ hiện nay đều liên kết với các công ty để tạo hướng đi mới cho sinh viên là xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Học sinh quan tâm đến học ngành gì để xuất khẩu lao động.
Học sinh quan tâm đến học ngành gì để xuất khẩu lao động.
 
Mỗi trường như một trung tâm XKLĐ
 
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tạo cơ hội cho sinh viên làm kỹ sư tại Nhật Bản. “Nhà trường phối hợp Công ty TNHH Esuhai thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ sư- việc làm Nhật Bản tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
 
Các em tốt nghiệp chương trình này sẽ có bằng kỹ sư của Việt Nam và Nhật Bản”- PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
 
Trung tâm này đào tạo theo đơn đặt hàng từ Công ty TNHH Esuhai; đồng thời điều phối chương trình đào tạo kỹ sư làm việc Nhật Bản, đào tạo năng lực tiếng Nhật, đào tạo và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật Bản.
 
Chương trình này tuyển sinh 5 ngành: công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện- điện tử và công nghệ thực phẩm.
 
Tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, TS. Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng- cho biết, có 2 hình thức cho sinh viên muốn sang Nhật Bản làm việc.
 
Một là đi dạng kỹ sư xây dựng, sau khi tốt nghiệp đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, tiếng Nhật để làm việc tại Nhật, với chế độ kỹ sư này thì lương, chế độ chính sách như người bản xứ, thời gian 5 năm và được gia hạn thêm.
 
Hai là đi dạng kỹ năng đặc định: “Là đi làm việc với người có tay nghề về xây dựng. Chế độ như đi làm việc kỹ sư”.
 
Trong khi đó, tại Trường ĐH Cửu Long đã có những cựu sinh viên mới ra trường được công ty Nhật Bản tuyển dụng làm việc với chế độ kỹ sư. ThS. Lê Thanh Vũ- Phó trưởng Phòng Công tác chính trị sinh viên- cho biết: “Các ngành có sinh viên tham gia XKLĐ tại Nhật Bản là: điều dưỡng, ô tô, cơ khí, công nghệ thông tin”.
 
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco) cũng giới thiệu đến các em học sinh chương trình phối hợp giữa công ty này với Trường CĐ Vĩnh Long.
 
Theo đó, 2 bên sẽ tư vấn tuyển sinh đầu vào, đào tạo tiếng Nhật. Cụ thể, đào tạo sơ cấp nghề điều dưỡng, nông nghiệp, thực phẩm, cơ khí, điện, điện tử và đưa lao động sang Nhật theo chương trình thực tập sinh và chương trình kỹ năng đặc định.
 
Chương trình đào tạo gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đào tạo tiếng Nhật và trung cấp hoặc sơ cấp nghề tại Trường CĐ Vĩnh Long; giai đoạn 2 đào tạo tiếng Nhật chuyên sâu, tiếng Nhật chuyên ngành, định hướng văn hóa đời sống Nhật Bản tại Trung tâm Nhật ngữ của Công ty Mitaco.
 
Đa dạng chương trình
 
Chương trình kỹ năng đặc định, người lao động sang Nhật với tư cách đi lao động có thời hạn, làm việc trong các nhà máy, công ty tại Nhật.
 
Đối tượng là thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình 1- 3 năm trở về nước hoặc ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng và ngoại ngữ (tiếng Nhật) sẽ có thời gian làm việc là 5 năm.
 
Kỹ năng đặc định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cũng như trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình Thực tập sinh kỹ năng.
 
Ưu điểm của lao động khi tham gia chương trình này là lương cao hơn thực tập sinh kỹ năng và tương đương với người Nhật cùng một trình độ trong ngành nghề đó.
 
Người lao động có thể thay đổi công ty nếu có lý do chính đáng. Sau 5 năm, nếu thi đậu kỳ thi bắt buộc sẽ được tham gia chương trình Kỹ năng đặc định số 2, khi đó được phép gia hạn visa và đưa gia đình lưu trú dài hạn tại Nhật Bản.
 
Vậy để tham gia chương trình kỹ năng đặc định hay chương trình kỹ sư khi xuất khẩu lao động cần yếu tố gì? Anh Nguyễn Hải Phương (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), hiện đang cùng vợ làm việc tại Nhật chuyến thứ 2 sau một thời gian về nước.
 
Anh Phương cho biết: “Chuyến sau này tôi đi theo chương trình kỹ năng đặc định với mức lương và những điều kiện tốt hơn chuyến trước. Khó khăn nhất để tham gia chương trình là chuẩn bị vốn tiếng Nhật”.
 
Bên cạnh, để trúng tuyển chương trình thực tập sinh Nhật Bản, người lao động cần có tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu. Em Nguyễn Thị Kim Xuyến- cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long vừa tham gia chương trình XKLĐ Nhật về nước cho biết.
 
Theo Xuyến, khó khăn nhất của sinh viên khi học tiếng Nhật là khó chấp hành sự nghiêm khắc của khóa học và dễ bỏ nửa chừng. Kim Xuyến cho biết: “Dù chỉ đi với dạng thực tập sinh nhưng chương trình học CĐ đã giúp em rất nhiều trong quá trình học cũng như phỏng vấn sang Nhật”.
 
Nhìn chung, muốn tham gia các chương trình XKLĐ Nhật Bản, các em phải thực sự có quyết tâm cao, sức khỏe, kỹ năng và kiến thức cần thiết. Nhật Bản tuyển dụng lao động hơn 70 ngành nghề, nên học sinh có thể chọn nghề theo đúng năng lực sở thích của mình.
 
Theo thông tin từ Công ty Esuhai, yêu cầu để xuất khẩu lao động trình độ kỹ sư là người tốt nghiệp ĐH ngành kỹ thuật tại Việt Nam, có độ tuổi 22-28. Trình độ tương đương N3 trở lên. Các ngành tuyển dụng: kỹ sư cơ khí, thiết kế máy, ô tô, xây dựng, cơ- điện tử, tự động hóa, điện- điện tử, IT, nông nghiệp. Thời gian tham gia lao động từ 3 năm trở lên với mức lương từ 36 - 45 triệu đồng chưa tính tăng ca, phụ cấp. Đối tượng làm việc theo chương trình kỹ sư có thể ở lại Nhật Bản và có thể bảo lãnh người thân sang Nhật, trở về nước trong thời gian làm việc tại Nhật (chế độ như người Nhật).
Bài, ảnh: CAO HUYỀN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu