Thứ năm, 18/05/2023,11:10 (GMT+7)
Mỹ: Có 2 nước lớn muốn thấy nền kinh tế số 1 thế giới vỡ nợ
Tổng thống Joe Biden sẽ hủy hai điểm đến trong chuyến công du châu Á sắp tới và trở về ngay sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima - Nhật Bản trong bối cảnh áp lực gia tăng về việc giải quyết vấn đề trần nợ công ngăn vỡ nợ.
 
Một quan chức Nhà Trắng thạo tin xác nhận rằng điểm đến ở Papua New Guinea và sau đó đến Sydney - Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh Đối thoại An ninh 4 bên đã bị hủy bỏ. Đài NBC, báo Politico và CNN cũng đưa tin về quyết định hủy tham dự sự kiện tại đó của ông Biden.
 
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đã gặp ông Biden cùng với các nhà lãnh đạo quốc hội khác hôm 16-5, trước đó đã chỉ trích kế hoạch tham dự G7 của ông Biden. Ông McCarthy nói với các phóng viên sau cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ rằng có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này nhưng các cuộc đàm phán về cắt giảm chi tiêu vẫn còn "xa vời".
 
Mỹ: Nga và Trung Quốc muốn thấy nền kinh tế số 1 thế giới vỡ nợ - Ảnh 1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hủy hai điểm đến trong chuyến công du châu Á sắp tới. Ảnh: Reuters
 
Nhà Trắng cũng đưa ra bình luận tương tự: "Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết một loạt vấn đề khó khăn nhưng ông Biden lạc quan rằng có con đường dẫn đến thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng có trách nhiệm nếu cả hai bên đàm phán một cách thiện chí và nhận ra rằng không bên nào sẽ có được mọi thứ mà mỗi bên muốn".
 
Theo tờ SCMP, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng ông Biden đang "đánh giá lại" và có thể hủy bỏ hai điểm dừng sau đó vì tổng thống xem trọng việc ưu tiên giải quyết vấn đề nợ quốc gia và điều đó nói lên điều gì về Mỹ… cũng như có thể ảnh hưởng thế nào đến danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế.
Ông Kirby cho hay: "Có những quốc gia như Nga và Trung Quốc không muốn gì hơn ngoài việc thấy chúng tôi vỡ nợ để họ có thể chỉ tay và nói "mọi người thấy đó Mỹ không phải là một đối tác ổn định, đáng tin cậy"". Hồi tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết Mỹ có thể vỡ nợ trong "hai tuần đầu tiên của tháng 6" nếu không đạt được thỏa thuận trước thời điểm đó.
 
Thành công của Trung Quốc trong việc lôi kéo nhiều quốc gia sử dụng đồng nội tệ của mình để thanh toán các giao dịch quốc tế – bao gồm cả Argentina và Brazil – nhấn mạnh thách thức mà ông Biden đối mặt trong việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Bế tắc trần nợ công đang làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của ông Biden.
 
Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla Elon Musk cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất quá chậm và có thể quá chậm để hạ lãi suất trong những tháng tới. Tỉ phú Musk nói trong cuộc phỏng vấn của đài CNBC: "Dữ liệu hơi cũ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chậm tăng lãi suất và họ cũng sẽ chậm hạ lãi suất".
 
Ông Musk nói rằng 12 tháng tới sẽ khó khăn đối với Tesla và các công ty khác từ góc độ kinh tế vĩ mô do lãi suất tăng gây ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng.
 
Xuân Mai (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu