Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman gặp con trai của nhà báo Khashoggi (trái) sau vụ ám sát năm 2018. Ảnh: EPA
Vị thái tử quyền lực không thể vô can
Báo báo được giải mật của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ công bố hôm 26-2 nêu rõ: “Từ năm 2017, Thái tử Mohammed bin Salman đã hoàn toàn kiểm soát các hoạt động tình báo và an ninh tại Vương quốc Saudi Arabia, điều này khiến có rất ít khả năng giới chức Saudi Arabia thực hiện một hoạt động như vậy mà không có sự cho phép của Thái tử”. Hãng tin AFP dẫn báo cáo nói rằng chính Thái tử Saudi Arabia “đã phê chuẩn một chiến dịch ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để bắt hoặc giết nhà báo Khashoggi”. “Thái tử Mohammed bin Salman lâu nay xem ông Khashoggi là một mối đe dọa đối với Saudi Arabia và ủng hộ việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết để bịt miệng ông ta”, theo báo cáo giải mật. Báo cáo liệt kê một nhóm gồm 15 thành viên người Saudi Arabia tới Istanbul và cho rằng “nhiều khả năng” họ đã tham gia vụ sát hại.
Ngày 2-10-2018, ông Khashoggi được cho bị dụ đến lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm giấy tờ kết hôn với vị hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ. Và nhóm người Saudi Arabia, bao gồm thành viên của Vệ binh Hoàng gia, đã giết chết nhà báo ngay ở đó và phân xác nạn nhân. Tới nay vẫn chưa biết các phần thi thể của ông ở đâu. Ông Khashoggi, 59 tuổi, là một nhà báo Saudi Arabia nhưng sống lưu vong ở nước ngoài, bao gồm bang Virginia (Mỹ), là cộng tác viên của tờ Washington Post và từng viết bài chỉ trích thái tử trên tờ báo nổi tiếng này.
Ngay sau báo cáo trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố “Luật Khashoggi” cấm nhập cảnh Mỹ với những ai có hành vi đe dọa người bất đồng chính kiến, gây phiền nhiễu cho các nhà báo và gia đình họ, đồng thời đưa 76 cá nhân người Saudi Arabia có liên quan vụ việc vào danh sách đen ngay lập tức. Bộ Tài chính Mỹ thì áp dụng lệnh trừng phạt đối với Ahmad Hassan Mohammed al Asiri, cựu Phó Chủ tịch Tổng cục Tình báo và Lực lượng can thiệp nhanh của Saudi Arabia (RIF) cùng một số thành viên của cơ quan này. Những người có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được tiến hành các giao dịch, buôn bán trên đất Mỹ. Thông báo nói rõ al Asiri là “kẻ cầm đầu” vụ sát hại nhà báo Khashoggi với sự giúp sức của một số thành viên RIF.
Lợi ích kinh tế của Mỹ
Thật ra, các cơ quan tình báo Mỹ đã sớm có báo cáo sau vụ sát hại trên, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó tỏ ý không tin tưởng vào cộng đồng tình báo và cũng không muốn giải mật báo cáo vì sợ ảnh hưởng đến thương vụ vũ khí hàng tỉ USD. Ông Trump không ngần ngại nói thẳng rằng lợi ích kinh tế trong quan hệ với Saudi Arabia là nguyên do chính khiến Mỹ không hành động nhằm vào vị thái tử trẻ đầy quyền lực liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Trong khi đó, khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 10-2019, ông Joe Biden cho hay ông tin rằng Thái tử Mohammed bin Salman là người ra lệnh thủ tiêu nhà báo Khashoggi và tuyên bố sẽ bắt những người có trách nhiệm phải trả giá. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Univision hôm 26-2, Tổng thống Biden cũng khẳng định sẽ buộc Saudi Arabia chịu trách nhiệm về vụ ám sát trên. Ông Biden cho biết ông đã nhấn mạnh rằng Washington có thể sẽ trừng phạt Riyadh vì vấn đề nhân quyền và vụ việc trên trong cuộc điện đàm với Vua Salman hôm 25-2. Ông Biden nhắc đến việc ông không gọi điện cho Thái tử Mohammed bin Salman như là cách thể hiện sự nghi ngờ của Mỹ về vai trò lãnh đạo đất nước của ông này. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng và Vua Salman đều khẳng định “tính chất lịch sử tự nhiên trong mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ và Saudi Arabia”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 26-2 tuyên bố trước báo giới rằng chính quyền Biden đã xác định rõ sẽ “điều chỉnh lại quan hệ” với chính quyền Saudi Arabia. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho hay trừng phạt vị thái tử 35 tuổi có cái tên viết tắt MBS chưa bao giờ là sự lựa chọn thật sự của Washington bởi điều này quá phức tạp và có thể hủy hoại lợi ích quân sự của Mỹ tại Saudi Arabia.
Saudi Arabia cực lực phản đối
Sau báo báo giải mật của tình báo Mỹ, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngay lập tức đưa ra tuyên bố nêu rõ: “Chính quyền Vương quốc Saudi Arabia hoàn toàn bác bỏ đánh giá tiêu cực, sai lầm và không thể chấp nhận được trong báo cáo liên quan đến lãnh đạo của vương quốc này, đồng thời lưu ý rằng báo cáo này chứa đựng những kết luận và thông tin không chính xác”. “Cuộc điều tra cho thấy vụ giết hại không được tính toán từ trước… Quyết định (giết ông Khashoggi) được đưa ra ngay tại thời điểm đó”, người phát ngôn Shalaan al-Shalaan của Văn phòng công tố Saudi Arabia nhấn mạnh. Theo ông al-Shalaan, tòa án thủ đô Riyadh đã tiến hành tổng cộng 9 phiên xét xử với sự tham dự của đại diện cộng đồng quốc tế và người thân của nhà báo Khashoggi. Năm ngoái, Saudi Arabia tuyên án tù từ 7-20 năm với 8 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi, qua đó giảm án tử hình 5 người mà tòa án đã tuyên trước đó. Một số nhân vật cấp cao bị điều tra thì được tuyên trắng án, kể cả ông al Asiri.
|
ÐỨC TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)