Thứ hai, 21/12/2020,10:20 (GMT+7)
Năm 2020 ngành Du lịch Sóc Trăng chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch bệnh Covid-19
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề. Để hiểu rõ hơn về kết quả hoạt động của ngành Du lịch Sóc Trăng trong năm 2020, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
 
Phóng viên: Xin ông cho biết, trong năm 2020 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đối với ngành Du lịch Sóc Trăng?
 
Ông Phạm Văn Đâu: Năm 2020, ngành du lịch cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Do hạn chế hoạt động của các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển đường bộ cùng với việc đóng cửa của các điểm tham quan, điểm du lịch nên các công ty lữ hành, các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng nhiều, rất ít khách đăng ký mua tour, sử dụng các dịch vụ. Các tour khách đã đăng ký phần lớn bị hủy, số ít tour dời thời gian đến khi phù hợp.
 
Tuy nhiên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 thông qua nhiều hình thức khác nhau đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách trên địa bàn tỉnh; kịp thời ghi nhận những khó khăn và đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh, duy trì và khôi phục hoạt động sau khi hết dịch Covid-19.
 
Phóng viên: Trong năm 2020, số lượt khách đến Sóc Trăng và doanh thu từ du lịch bị ảnh hưởng như thế nào thưa ông?
 
Ông Phạm Văn Đâu: Về tổng lượt khách và doanh thu du lịch, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu từ du lịch đều không đạt so với kế hoạch năm và giảm so với cùng kỳ 2019, cụ thể tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 974.000 lượt, đạt 40% kế hoạch năm, giảm gần 60% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế là 30.000 lượt, đạt 32,2% kế hoạch, giảm 66,6% so với cùng kỳ); tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 424,12 tỉ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
 
Ngoài ra trong năm 2020, Sóc Trăng có thêm điểm du lịch là Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Quan Âm Linh Ứng, 2 điểm này hiện thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Bên cạnh đó, hiện có 2 dự án đang trong quá trình xây dựng sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới như: Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên; chùa Quan Âm Đông Hải (TX. Vĩnh Châu).
 
Phóng viên: Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, ngành Du lịch Sóc Trăng đạt được kết quả như thế nào và còn những khó khăn gì, thưa ông?
 
Ông Phạm Văn Đâu: Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, du lịch tỉnh nhà đã có những bước phát triển đáng phấn khởi, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch được nâng lên; tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của tỉnh được đầu tư, khai thác hiệu quả; nhiều sản phẩm mới được xây dựng và phát triển nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; nguồn nhân lực du lịch từng bước được đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, từng bước đi vào chiều sâu.
 
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng. Chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa và di tích lịch sử phục vụ khách tham quan du lịch. Nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, yếu, phong cách, kỹ năng phục vụ du khách còn hạn chế; các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn về du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh còn ít, chưa có nhiều nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách đoàn; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh thấp, các công ty lữ hành trong tỉnh chưa khai thác tốt các sản phẩm du lịch để bán cho du khách. Công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh còn bị động; mô hình, phương thức có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao. Mức độ tham gia đầu tư của người dân vào hoạt động du lịch còn thấp, các mô hình, dự án du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, tìm hiểu về truyền thống, văn hóa của đồng bào Khmer và đồng bào người Hoa còn chậm triển khai.
 
Phóng viên: Để phát triển du lịch Sóc Trăng gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có giải pháp gì trong thời gian tới?
Tăng cường tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CHÍ BẢO
 
Ông Phạm Văn Đâu: Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nghị quyết của Tỉnh ủy, Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển du lịch. Đặc biệt là Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7-7-2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển du lịch; phát triển du lịch theo hướng chuyên môn hóa để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
 
Xây dựng và triển khai các đề án: “Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2035”; “Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án Du lịch thông minh; đặc biệt là Đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
 
Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa các dự án về du lịch, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tập trung đầu tư phát triển thêm các khu, điểm du lịch trên địa bàn; kêu gọi đầu tư xây dựng thêm khách sạn từ 3 đến 4 sao; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề, các dự án phục vụ phát triển du lịch.
 
Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương dựa trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa... Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, giữa các công ty lữ hành để phát triển tour - tuyến du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
CHÍ BẢO - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu