Thứ hai, 19/08/2019,15:36 (GMT+7)
Năm học mới với nhiều kỳ vọng lớn
Hôm nay (19-8), gần 1,4 triệu học sinh TP HCM tựu trường. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết sở đã xây dựng xong đề án đào tạo học sinh giỏi tiếp cận các chương trình quốc tế

Phóng viên: Năm học 2019-2020 được xem là năm bản lề để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình mới là học sinh (HS) được học 2 buổi/ngày nhưng TP HCM gặp khó khăn vì áp lực sĩ số. Vậy ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã làm gì để giải quyết điều này?

- Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Năm học 2018-2019, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày toàn TP chỉ có 71%. Năm học này, dự kiến toàn TP tăng thêm hơn 75.000 HS. Nhìn chung số HS tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS. Tập trung ở một số quận đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số cơ học tăng cao. TP trung bình mỗi năm tăng 15.000 HS không có hộ khẩu. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp; HS được học 2 buổi/ngày giảm.

Năm học mới với nhiều kỳ vọng lớn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Trong tình hình đó, việc thực hiện Quyết định số 02 năm 2003 của UBND TP HCM về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020 là hết sức quan trọng ở các quận, huyện. Mong muốn và định hướng của ngành GD-ĐT trong năm học tới là tất cả HS lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT đã tham mưu, đề nghị các quận, huyện định hướng, sắp xếp, ưu tiên cho các trường nếu đã có sẵn thì xây bổ sung. Nếu chưa đủ thì xây mới thêm trường học. Làm sao để đáp ứng lộ trình cuốn chiếu là năm học tới tất cả HS lớp 1 đều học 2 buổi/ngày, tập trung ưu tiên cho HS lớp 1 trước.

Năm học mới với nhiều kỳ vọng lớn - Ảnh 2.

Phụ huynh, học sinh sắm sửa đồ dùng thiết yếu chuẩn bị tựu trường tại một nhà sách trong ngày 18-8. Ảnh: NGUYỄN THUẬN

Khi thực hiện chương trình phổ thông mới, HS TP HCM sẽ học sách giáo khoa (SGK) riêng của TP?

- Về bộ SGK, khi được Bộ GD-ĐT thẩm định thì là SGK dùng chung cho cả nước. Không bắt buộc HS TP HCM phải dùng. Cũng không phải bộ SGK riêng của TP HCM mà là bộ sách do cán bộ, giáo viên của TP HCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn. Theo Luật Giáo dục, UBND mỗi tỉnh, thành sẽ quyết định chọn bộ sách nào dùng cho địa phương mình. Tại TP HCM, trên cơ sở tham mưu của Sở GD-ĐT, UBND TP sẽ thành lập hội đồng thẩm định và quyết định chọn bộ sách nào cho HS TP HCM. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã thẩm định xong bộ sách lớp 1, nếu UBND TP thẩm định và lựa chọn, có thể sử dụng ngay từ năm học tới.

Trong lễ tuyên dương HS giỏi vừa qua, lãnh đạo TP HCM yêu cầu ngành GD-ĐT sớm trình đề án đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, làm tiền đề cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Vậy ngành GD-ĐT đã có kế hoạch gì?

- Trước đây, các trường chuyên của TP HCM đào tạo HS giỏi theo hướng chuyên sâu, HS chỉ giỏi, chuyên 1 môn, trong khi các môn khác thì mờ nhạt, mục đích để thi HS quốc gia, quốc tế. Chính vì thế, ngành GD-ĐT và các trường đã thay đổi chiến lược đào tạo, không đào tạo theo hướng mũi nhọn chỉ để thi quốc gia, quốc tế mà bồi dưỡng HS theo hướng toàn diện. Cụ thể là tạo nền tảng vững chắc từ bậc phổ thông trên cơ sở giỏi ngoại ngữ, tin học, kiến thức xã hội, thể lực, tư duy phản biện, kỹ năng mềm… để trở thành công dân toàn cầu, tiếp cận được các chương trình quốc tế, là nguồn nhân lực tốt. Sở đã xây dựng xong đề án và đang lấy ý kiến, chờ UBND TP HCM phê duyệt.

Để nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với quốc tế thì vấn đề đào tạo tiếng Anh cho HS TP HCM được đánh giá thế nào? Đối với loại hình trường quốc tế, sở giám sát ra sao giữa "ma trận" các trường gắn mác quốc tế?

- Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, điểm tiếng Anh của HS TP HCM đứng đầu cả nước. Có thể nói, HS TP HCM có nền tảng tiếng Anh bắt nguồn từ học trong trường học. Có thể so sánh, trong khi Bộ GD-ĐT mới chỉ thực hiện chương trình 10 năm (từ lớp 3) thì TP HCM đã thực hiện 12 năm (từ lớp 1), ở bậc mầm non thì tổ chức các hoạt động làm quen với tiếng Anh.

Bên cạnh đó, TP HCM có đội ngũ thầy cô giáo đạt chuẩn cao. Cùng với các chương trình tiếng Anh tăng cường, các chương trình bổ trợ tiếng Anh. TP HCM cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh, các phần mềm dạy học. Làm cho năng lực ngôn ngữ tiếng Anh của HS tăng lên. Cũng phải kể đến TP có hơn 700 trung tâm ngoại ngữ và sự đầu tư của phụ huynh cho HS học ở các trung tâm này.

Hiện nay không có văn bản nào gọi là trường quốc tế mà là trường có yếu tố nước ngoài. Tại TP HCM có 2 loại hình trường có yếu tố nước ngoài. Loại hình 1 là họ dạy chương trình nước ngoài cho con em nước ngoài như trường của một số lãnh sự quán như Pháp, Hàn Quốc…, sở chỉ giám sát thời lượng để báo cáo về UBND TP hằng năm. Loại hình thứ 2 là trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy cho HS nước ngoài và một phần HS Việt Nam có nhu cầu. Sở GD-ĐT TP HCM đã công bố trên trang thông tin dịch vụ giáo dục (dichvugiaoduc.hcm.edu.vn) tất cả các trường có yếu tố nước ngoài, đối tượng học, chương trình nào được thẩm định… để phụ huynh tra cứu. 

Ổn định kỳ thi lớp 10

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết trong tổng kết năm học, Sở GD-ĐT tiếp tục khẳng định tuyển sinh lớp 10 năm học tới đây giữ ổn định về môn thi: văn, toán, ngoại ngữ. Định hướng đổi mới tiếp tục duy trì. Từ định hướng này đã có sự thống nhất từ các phòng ban chuyên môn đến các phòng GD-ĐT, các trường và giáo viên tổ chức dạy và học theo hướng vận dụng các kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; từ đây giáo viên cũng phải thay đổi phương pháp dạy học.

Đặng Trinh-(nld.com.vn)
T/h: Quốc Dương-(dongbang.vn)

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu