Trăn trở với nền giáo dục, GS. Sĩ Đức Quang – giảng viên khoa Toán Tin (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Trong năm mới 2020, ông thực sự có nhiều kỳ vọng đối với nền giáo dục.
GS. Sĩ Đức Quang – giảng viên khoa Toán Tin (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, các hiện tượng thiếu trung thực trong tất cả các kỳ thi nhất là kỳ thi THPT quốc gia
"Thứ nhất, tôi mong muốn các cấp các cơ sở giải quyết thỏa đáng việc biên chế cho các giáo viên hợp đồng lâu năm, hiện nay các thầy cô có tài và tâm huyết mà vẫn chưa có được vị trí giảng dạy thích hợp.
Việc này giúp các thầy cô yên tâm công tác, tạo ra không khí an tâm và lạc quan trong toàn ngành.
Cùng với đó, tôi mong muốn có thể loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, các hiện tượng thiếu trung thực trong tất cả các kỳ thi nhất là kỳ thi THPT quốc gia để xây dựng niềm tin cho xã hội vào sự công bằng và minh bạch"- GS Quang tâm sự.
GS trẻ nhất Việt Nam năm 2019 cũng cũng hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới khi được đưa vào sử dụng có thể thực sự tạo ra sự thay đổi trong quá trình dạy và học của cả thầy lẫn trò, sao cho mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày nhiều niềm vui, cuộc sống được đưa vào bài học và bài học gắn với cuộc sống.
"Mong rằng bằng cách này hay cách khác, tôi cùng với các đồng nghiệp của mình có thể được đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình để thực hiện đổi mới giáo dục mang lại kết quả tốt đẹp hơn" - GS Quang cho hay.
Quan tâm đến giáo dục trẻ vùng cao
Thầy giáo Hoàng Phúc Gọn - giáo viên thuộc điểm trường xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) - người đã dành gần 30 năm để dạy chữ cho trẻ em vùng cao trăn trở, bước sang năm mới 2020, điều ông mong muốn nhất là Bộ GD-ĐT bằng những chính sách của mình hãy quan tâm hơn nữa đến giáo dục cho trẻ em vùng cao.
Thầy giáo Hoàng Phúc Gọn - giáo viên thuộc điểm trường xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) mong ngành giáo dục quan tâm hơn đến giáo viên vùng cao
Thầy Gọn phân tích: "Một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển giáo dục ở vùng cao mà ngành giáo dục chưa quan tâm thực sự đó là bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy và học. Gần 30 năm trong nghề dạy học cho trẻ vùng cao nên tôi thấy hầu hết trẻ em còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ lại phải học tiếng phổ thông.
Vì chưa thông thạo ngôn ngữ phổ thông nên trong quá trình đến trường các em học không hiểu dễ gây ra tâm lý chán nản, không đến trường.
Thực tế, nhiều học sinh của tôi chỉ vì vậy mà bỏ học dẫn đến tình trạng mù chữ và tái mù chữ.
Đối với người dân tộc vùng cao, họ luôn trăn trở rằng "học để làm gì?có tốt hơn khi ở nhà làm rẫy hay không?" vì có nhiều em học THPT xong lại quay về làm rẫy thì hoài phí quá trình học. Vì thế, nhiều gia đình không muốn cho con đi học, thậm chí mỗi lần giáo viên đến nhà động viên con em đến lớp là bị phụ huynh xua đuổi.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT và phải có những chính sách đặc thù tạo công an việc làm đối với con em đồng bào sau khi ra trường để tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình các em, có thế giáo dục vùng cao mới phát triển được" - thầy Gọn bày tỏ.
Giáo viên sống được bằng lương
Còn thầy Đỗ Trọng Kiên – giáo viên Toán tại Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, song hành cùng đổi mới giáo dục là phải nâng chuẩn trình độ cho giáo viên. Vì chương trình giáo dục phổ thông mới có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào người thầy.
Thầy Đỗ Trọng Kiên – giáo viên Toán tại trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) mong muốn có chính sách thoả đáng cho người thày
Làm sao để giáo viên được trả lương theo trình độ chứ không phải theo thâm niên như bây giờ. Có thế mới có thể tạo động lực để giáo viên tìm tòi, học tập phát triển năng lực của bản thân phục vụ cho việc dạy và học hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan ban ngành cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn để giáo viên có thể an tâm sống bằng lương của mình. Thực tế, có rất nhiều thầy cô giáo phải đi chạy xe ôm, bán hàng online để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống".
"Chắc chúng ta chưa thể quên trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Thu ở Thanh Hóa với 13 năm công tác tại trường mầm non nhưng phải viết đơn xin ra khỏi ngành vì…lương không đủ sống.
Trường hợp của thầy Phạm Ngọc Trung (Thanh Hóa) làm tôi trăn trở mãi. 15 năm trong nghề - khi trình độ chuyên môn đã đạt đến độ chín nhất thì thầy viết đơn xin ra khỏi ngành. Lý do thầy Trung nói trong đơn "do mức lương thấp đi dạy mà chi phí cho sinh hoạt trong cuộc sống ngày càng cao, bản thân luôn phải nỗ lực làm thêm rất nhiều công việc tay trái để trang trải cuộc sống cho cả gia đình nên xin ra khỏi ngành.
Tôi mong rằng sẽ không còn giáo viên như cô Thu, thầy Trung yêu nghề nhưng phải chia tay vì mức thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu thu nhập quá thấp, giáo viên cũng khó toàn tâm, toàn ý trau dồi và truyền đạt kiến thức cho học sinh và khi đó những kỳ vọng về đổi mới giáo dục sẽ khó có thể thành công". - thày Kiên tâm sự