Thứ năm, 10/12/2020,07:23 (GMT+7)
Nâng cao giáo dục thể chất và thể thao học đường
Giáo dục thể chất (GDTC) đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể lực. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục, GDTC và thể thao trong trường học vẫn còn một số hạn chế, cần có giải pháp đổi mới để nâng chất hoạt động này.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền trong giờ học thể dục.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền trong giờ học thể dục.
 
Ngày 17-6-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1076/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Quyết định có mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả GDTC và thể thao trong trường học, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên của trẻ em, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Sau 5 năm triển khai, GDTC và thể thao trong trường học của cả nước đạt được những bước tiến đáng kể về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị... So với năm 2015, số trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả GDTC tăng 87,4%; học sinh tham gia hoạt động thể dục thể thao năm học 2019-2020 tăng 15,8%-31%; trường lớp ở các cấp học mầm non, phổ thông có nhà tập thể chất tăng 10%-15%...
 
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1076 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra ở TP Cần Thơ mới đây, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho rằng: “Công tác GDTC và thể thao trong trường học vẫn còn nhiều hạn chế; hoạt động thể thao học đường có chất lượng hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe và thể lực; nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thể dục còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các bộ ngành về việc sử dụng cơ sở vật chất công trình thể thao trên địa bàn chưa hiệu quả”.
 
Để nâng cao hiệu quả GDTC và thể thao học đường, nhiều cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục đề xuất xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GDTC; vận dụng cơ chế hợp tác đầu tư công tư đối với các công trình GDTC và thể thao trong trường học; tổ chức thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế; tăng cường phối hợp giữa ngành thể thao với ngành giáo dục...
 
Tại TP Cần Thơ, nhiều năm qua, các trường học đã thực hiện tốt hoạt động GDTC, nâng cao thể lực cho học sinh. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố, để triển khai hiệu quả hoạt động GDTC và thể thao trong trường học, các nhà quản lý giáo dục từ cơ sở đến trung ương cần quan tâm, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền và thu hút nhiều phụ huynh cùng tham gia, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhà trường và phát triển toàn diện của người học; hợp tác phối hợp với các tổ chức xã hội bên ngoài nhà trường với phương châm “Đôi bên cùng có lợi” vì lợi ích chung của cộng đồng và phải cam kết mang lại lợi ích cho giáo dục, nhà trường và những người tham gia... Thầy Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng để thực hiện hiệu quả GDTC và thể thao học đường, lãnh đạo đơn vị cần tâm huyết đối với công tác GDTC và được hội đồng trường đồng thuận, thống nhất cao đối với định hướng phát triển GDTC của nhà trường. Minh bạch công khai về tài chính công tác xã hội hóa từ các tổ chức xã hội và các mạnh thường quân trong thực hiện các công trình.
 
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, một số quận, huyện của thành phố như Ô Môn, Ninh Kiều, Thới Lai... đã đẩy mạnh hoạt động GDTC và thể thao trong trường học. Từ năm 2017, với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện Thới Lai đã xây dựng được 6 hồ bơi tại 6 trường tiểu học (tổng kinh phí bình quân 300 triệu đồng/hồ) nhằm nỗ lực xóa mù bơi ở các trường học. Theo lãnh đạo ngành GD&ĐT huyện Thới Lai, do nhu cầu bức thiết xóa mù bơi trong học sinh tiểu học và tình hình đuối nước ở học sinh luôn diễn ra phức tạp, ngành tham mưu UBND huyện xây dựng hồ bơi tại các trường. Hoạt động của hồ bơi được duy trì hiệu quả, thu hút học sinh tham gia và có sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh.
 
Ở góc độ đào tạo cán bộ, giáo viên GDTC cho các trường phổ thông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Bộ môn GDTC, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng cần tiếp tục rà soát định kỳ 5 năm cải tiến một lần chương trình đào tạo sinh viên ngành GDTC. Phải dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến đánh giá của nhà tuyển dụng, ý kiến cựu sinh viên để cải tiến chuẩn đầu ra và công tác đánh giá phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Tiếp tục điều tra vị trí việc làm, tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, ngày hội tư vấn việc làm; từ đó làm cơ sở đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp… Ngoài ra, để các phong trào thể dục thể thao tại nhà trường phát triển, phải tiếp tục duy trì việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động truyền thống cho cán bộ và sinh viên; tham gia các giải khu vực, tỉnh, thành, ngành và giao lưu kết nghĩa với các trường đại học phía Nam; tiếp tục làm tốt khâu tuyển dụng và đào tạo giảng viên đáp ứng công tác đào tạo của trường; làm tốt việc quản trị cơ sở vật chất…
 
Mong rằng cùng với việc đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông, những giải pháp thiết thực, phù hợp từ các chuyên gia giáo dục góp phần nâng chất GDTC và thể thao học đường.
 
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu