Thứ hai, 22/03/2021,10:20 (GMT+7)
Nâng chất đội ngũ nhà giáo theo chuẩn mới
Hậu Giang đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, chú trọng thực hiện lộ trình nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo theo Luật Giáo dục (năm 2019).
Ở cấp tiểu học, còn hơn 24,5% giáo viên toàn tỉnh chưa đạt chuẩn.
 
Chủ động tự học, tự bồi dưỡng
 
Vừa học xong khóa học liên thông đại học ngành sư phạm giáo dục tiểu học, cô Nguyễn Hồng Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Phương Phú 2, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “2 năm trước tôi đã chủ động xin nhà trường tham gia lớp liên thông đại học vừa làm vừa học. Tuy có cực và ít thời gian bên gia đình nhưng nhờ vậy mà trình độ chuyên môn của tôi nâng lên”.
 
Dừng những phím đàn guitar lại ít phút, cho học sinh thực hành viết các nốt nhạc cùng bạn, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên dạy âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A, tâm sự: “Giai đoạn này mà học đại học với tôi là khá cực. Vì gia đình tôi đơn chiếc, vợ lại đang có con nhỏ, thứ bảy, chủ nhật cứ phải đi tận Đồng Tháp để hoàn thành khóa liên thông đại học. Nhưng tôi cũng chủ động đăng ký học. Có bằng đại học tôi sẽ yên tâm hơn với nghề mình đã chọn”. Thầy Nguyên về công tác tại trường được 7 năm, với trình độ chuyên môn là cao đẳng sư phạm âm nhạc. 7 năm qua, thầy đã tự học tập và bồi dưỡng chuyên môn của mình và thành tích được ghi nhận là nhiều giải thưởng vinh dự được trao tặng như: giải nhì giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm học 2019-2020 nhận bằng khen của UBND tỉnh, 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2017-2020) và mới đây là giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ XII năm 2020 với sản phẩm “Tích hợp công nghệ đồ dùng học tập guitar đa năng”.   
 
Đảm bảo theo chuẩn mới
 
Ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục (năm 2019) đã chính thức có hiệu lực. Điểm mới của Luật Giáo dục là quy định cụ thể nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học. Trong đó, quy định rõ trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây là trung cấp); giáo viên tiểu học có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây là trung cấp)…
 
Căn cứ theo quy định mới của Luật Giáo dục, Hậu Giang hiện có nhiều giáo viên mầm non trình độ trung cấp; giáo viên tiểu học trình độ trung cấp, cao đẳng và giáo viên THCS trình độ cao đẳng, nghĩa là không đạt chuẩn theo yêu cầu mới. Trong đó, số lượng chưa đạt chuẩn nhiều nhất là ở cấp tiểu học, với tỷ lệ hơn 24% giáo viên chưa đạt chuẩn mới.
 
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Đây là bài toán khó của giáo dục bậc tiểu học và chúng tôi đang trong lộ trình nâng chuẩn theo quy định mới. Ngành cũng đã tiến hành rà soát, phân loại, thống kê cụ thể lại từng trường hợp giáo viên chưa đạt chuẩn để có giải pháp nâng chuẩn kịp thời trong lộ trình 5 năm tới”.
 
Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Xác định rõ mục tiêu này, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ông Nguyễn Hải Triều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Phú 2, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để đảm bảo giáo viên đạt theo chuẩn mới quy định, chúng tôi đã tiến hành rà soát và nắm chắc lại trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên trường. Công việc này đã được thực hiện cách đây hơn 1 năm rồi. Theo lộ trình sang năm học tới, chúng tôi đảm bảo 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định”. Trường Tiểu học Phương Phú 2 có tổng số 26 cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên. Trong đó có 4 trường hợp giáo viên chưa đạt chuẩn. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết 1 giáo viên đang học liên thông đại học sư phạm tiểu học và đã hoàn thành khóa học; 3 giáo viên còn lại lớn tuổi và sẽ về hưu trong năm học này. Như vậy, năm học 2021-2022 trường sẽ đảm bảo theo lộ trình đề ra.
 
Tại thành phố Vị Thanh, qua rà soát, có tổng số 1.024 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 95% cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non và THCS đạt chuẩn, tỷ lệ chưa đạt chuẩn ở mỗi cấp học này là 5%, riêng cấp tiểu học tỷ lệ chưa đạt chuẩn gần 26%. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Văn Nhớ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch và ưu tiên bồi dưỡng, cử đi học theo lộ trình với các giáo viên có thời gian công tác còn khá dài. Với các giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng đã lớn tuổi và sắp về hưu sẽ tiến hành bồi dưỡng, tập huấn. ngành sẽ tập trung tạo mọi điều kiện để mỗi giáo viên chủ động, tự bồi dưỡng để đáp ứng trình độ chuyên môn theo quy định”.
 
Lợi thế của ngành giáo dục tỉnh nhà là có được đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết, yêu nghề, năng động và đầy sáng tạo. Giáo viên là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục, do đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ xuyên suốt nhưng cần có thời gian và lộ trình. Việc tạo ra điều kiện, môi trường tốt nhất để giáo viên được yên tâm, ổn định, phát triển và cống hiến sẽ là nền tảng, động lực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng tốt mục tiêu “trồng người”.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giáo viên chủ động nâng chuẩn
 
Đây là nhấn mạnh của bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. “Ngành sẽ thực hiện chủ động, theo lộ trình để đảm bảo nâng chuẩn đội ngũ nhà giáo theo quy định mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không được nóng vội, chủ quan cần thực hiện hài hòa, phù hợp theo tình hình thực tế của từng đơn vị. Chúng tôi nghĩ sẽ không khó thực hiện. Sở sẽ luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giáo viên chủ động nâng chuẩn”.
 
Chỉ có cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đạt chuẩn 100%
 
 (HG) - Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo hiện nay là 9.850 người, trong đó có 747 cán bộ quản lý, 9.103 chuyên viên, giáo viên và nhân viên các cấp học.
 
Nếu theo quy định cũ, hầu như cán bộ quản lý, giáo viên tại tỉnh đều đạt chuẩn, còn theo quy định mới thì tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn là 94,19%, trên chuẩn chiếm tỷ lệ 68,56%; cấp tiểu học tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn là 75,43%, trên chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ 0,11%; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS đạt chuẩn là 87,49%, trên chuẩn là 0,98%; còn cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đạt chuẩn là 100%, trên chuẩn chiếm tỷ lệ 17,28%.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu