Chủ nhật, 30/06/2019,11:24 (GMT+7)
Nâng tầm phát triển du lịch
Sự phát triển của ngành du lịch trong những năm gần đây cho thấy lĩnh vực này tiếp tục là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế thế giới. Sự tăng trưởng này đồng thời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phát triển và quản lý du lịch một cách bền vững, xây dựng các điểm đến thông minh và tận dụng tốt nhất tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại nhất. Du lịch thông minh vì thế là một phần trong Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025.

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2018 đạt 1,4 tỉ lượt, tăng 6% so năm 2017. Trong đó, lượng khách quốc tế đến châu Âu đạt 713 triệu, châu Á-Thái Bình Dương 343 triệu, châu Mỹ 217 triệu và châu Phi 67 triệu lượt.

Du khách tham quan, trải nghiệm Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Lữ Kiều Mai

Vị thế của công nghiệp không khói trong nền kinh tế thế giới

Châu Âu là lục địa có nhiều nước nằm trong tốp 10 quốc gia thu hút khách quốc tế nhất, trong đó Pháp dẫn đầu thế giới với 86,9 triệu lượt khách trong năm 2018. Tây Ban Nha, Ý, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức lần lượt chiếm vị trí thứ 2, 5, 7, 8 và 9 thế giới. Mỹ và Mexico đứng vị trí thứ 3 và 6, lần lượt tiếp đón 76,9 triệu và 39,3 triệu lượt khách quốc tế. Tại châu Á, Trung Quốc chiếm thứ 4 và Thái Lan thứ 10, lần lượt thu hút 60,7 triệu và 38 triệu lượt khách quốc tế hồi năm ngoái.

Ở cấp độ thành phố thì tốp 10 thu hút khách quốc tế có sự "đổi ngôi" đáng kể. Theo số liệu của tập đoàn dịch vụ tài chính và công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ Mastercard, Thủ đô Bangkok của Thái Lan thu hút du khách quốc tế nhiều nhất thế giới với 21,98 triệu lượt người năm 2018. Thủ đô Luân Đôn của Anh, Paris của Pháp và thành phố New York của Mỹ lẫn lượt giữ vị trí 2, 3 và 6. Thành phố-đảo quốc Singapore, Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và Tokyo của Nhật Bản lần lượt giữ vị trí thứ 5,7 và 9.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), ngành du lịch và lữ hành thế giới đóng góp  8.800 tỉ USD và giải quyết việc làm cho 319 triệu người năm 2018. Ngành du lịch và lữ hành chiếm đến 10,4% các hoạt động kinh tế  thế giới, trong đó doanh thu từ du khách quốc tế chiếm 28,8% và du khách nội địa 71,2%.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn là thị trường du lịch và lữ hành số một hành tinh với tổng doanh thu năm 2018 đạt 1.595 tỉ USD, chiếm 7,8% GDP. Doanh thu của ngành này tại Trung Quốc đạt 881,49 tỉ USD, chiếm khoảng 11% GDP. Nhật Bản đạt mức doanh thu du lịch lớn thứ ba thế giới với 367,7 tỉ USD, tương đương 7,4% GDP.

Thái Lan là một trong những nước phụ thuộc rất lớn vào du lịch. Theo WTTC, kinh tế du lịch của Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á với doanh thu 109,5 tỉ USD năm 2018, chiếm tới 21,6% GDP. Ngành du lịch tạo ra 6 triệu việc làm, chiếm 15,9% lực lượng lao động tại đất nước của những nụ cười. Đáng chú ý, du lịch của Thái Lan phụ thuộc rất lớn vào chi tiêu của du khách quốc tế với nguồn thu 70,1 tỉ USD.

Du lịch thông minh- xu thế tất yếu

Theo UNWTO, sự phát triển không ngừng của ngành du lịch là nhờ quá trình số hóa, các mô hình kinh doanh mới, sự bùng nổ hàng không giá rẻ, các điểm đến thông minh và tận dụng tốt nhất tiến bộ của khoa học- công nghệ. Trong đó, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ đã trở thành xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin- truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.

Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017. Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch tăng trưởng nhanh nhất hành tinh và lần đầu tiên được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018". Việt Nam xếp hạng 32 trong số các quốc gia thu hút khách du lịch lớn nhất thế giới, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều khách quốc tế nhất với 7,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch của Việt Nam năm 2018 đạt 620.000 tỉ đồng (26,75 tỉ USD), tăng 21,4% so với năm 2017, chiếm khoảng 8% GDP. Bên cạnh 15,5 triệu lượt du khách nước ngoài còn có 80 triệu lượt khách nội địa. Ngành du lịch Việt Nam tạo ra 2,4 triệu việc làm, trong đó có 1,3 triệu việc làm trực tiếp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thua xa một số quốc gia trong khu vực về lượng khách quốc tế tham quan, chẳng hạn năm ngoái Thái Lan thu hút 38 triệu lượt khách, Malaysia 25 triệu lượt.

Năm 2018, TP Cần Thơ đón gần 8,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 364.000 lượt và đạt tổng doanh thu 3.785 tỉ đồng.  Nhằm đưa Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trở thành một trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế - Cần Thơ 2019 từ ngày 29-11 đến 1-12-2019 với chủ đề “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước”. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra dấu ấn lớn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch, các địa phương nước ta đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước. Chẳng hạn, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long. Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt, hướng dẫn du lịch khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng từ lâu. Nhiều điểm trên địa bàn các quận trung tâm thủ đô đã lắp đặt trạm phát wifi miễn phí. TP Hồ Chí Minh thì đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; phần mềm du lịch thông minh, phần mềm tiện ích khác về xe buýt, bản đồ, hướng dẫn du lịch. Đà Nẵng ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch còn xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh. Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua- bán, thanh toán. Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch. Đặc biệt là sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng,
khách sạn...

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp) - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu