Thứ năm, 15/10/2020,10:23 (GMT+7)
Nếu muốn tái đàn heo...
Giá heo hơi đang ở mức cao khiến không ít người chăn nuôi nôn nóng muốn tái đàn. Tuy nhiên, tiềm ẩn dịch bệnh, giá cả lên xuống thất thường nên nhiều người dù rất muốn nhưng chưa dám làm. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt mà tái đàn phải đảm bảo an toàn sinh học (ATSH).
Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn khi muốn tái đàn.
Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn khi muốn tái đàn.
 
Dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, tái đàn chậm
 
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, ngành chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi.
 
Tuy nhiên, ngành thú y và địa phương đã thực hiện nhanh các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, phát hiện sớm các ổ dịch, khống chế tốt và không lây lan diện rộng, thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời.
 
Đồng thời, do mật độ nuôi giảm, người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi ATSH nên tình hình dịch bệnh giảm nhiều so cùng kỳ.
 
Song, bệnh dịch tả heo Châu Phi còn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do hầu hết các ổ dịch bị chôn hủy ngay trong khu đất vườn nhà nên nguy cơ tái phát dịch rất cao trong khi không có vắc xin phòng bệnh.
 
Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh xuất hiện 5 ổ dịch tả heo Châu Phi ở Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ và TX Bình Minh, đã tiêu hủy 128 con heo bệnh.
 
Trong đó, tại Vũng Liêm, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, mà chủ yếu tái đàn ở các trang trại, gia trại lớn. Trong 9 tháng qua, huyện đã xảy ra 2 ổ dịch tả heo Châu Phi, tiêu hủy trên 20 con với gần 500kg.
 
Lo ngại rủi ro, nên dù so cùng kỳ năm 2019, tổng đàn heo toàn tỉnh đã tăng 43,3% nhưng tình hình tái đàn diễn ra chậm. Nguyên nhân chính là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn khả năng tái đầu tư khi bị thiệt hại do dịch, thời gian dài không thể sản xuất chăn nuôi trong khi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
 
Thêm vào đó, chi phí đầu tư con giống cao: khoảng 3- 3,2 triệu đồng/con 6,5- 7kg; giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thuốc thú y cũng tăng. Từ đó dẫn đến chi phí đầu vào cao nên người chăn nuôi rất thận trọng trong tái đàn.
 
Trong khi đó, với các hộ có điều kiện tái đàn thì nguồn cung cấp con giống rất hạn chế do số lượng heo nái giảm mạnh sau dịch. Người chăn nuôi tái đàn chủ yếu mua con giống của các công ty như Japfa, Greenfeed, CP, CJ, nhưng nguồn cung không đáng kể.
 
Do đó, tái đàn heo chỉ chủ yếu ở trang trại bởi các trang trại FDI có điều kiện chuồng trại đảm bảo tốt, công ty đầu tư thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ATSH nên điều kiện tái đàn được đảm bảo, đặc biệt con giống được công ty ưu tiên cung cấp đầy đủ trong hệ thống gia công nên việc tái đàn được thực hiện tốt hơn.
 
Tái đàn phải an toàn
 
Theo ngành chức năng, hầu hết các cơ sở chăn nuôi lớn không hoặc ít bị “dính” dịch là do áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật, ATSH, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng, cách ly tốt, tiêu độc khử trùng định kỳ, xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy trình… Ngược lại, do không thực hiện tốt ATSH nên hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nề.
 
Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), thường chỉ có những trang trại chăn nuôi lớn mới quan tâm đến chất lượng giống và khép kín quy trình sản xuất, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chưa quan tâm đến vấn đề này.
 
Tuy nhiên, hiện nay, sau dịch bệnh, ý thức của người chăn nuôi cũng đã được nâng lên. Nhiều người chủ động thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn, thực hiện nghiêm các quy trình chăn nuôi khép kín.
 
Chăn nuôi theo hướng ATSH được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Bởi mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng và cho cả ngành nông nghiệp.
 
Với suy nghĩ tái đàn “chậm mà chắc”, anh Phạm Văn Tân (xã Phú Quới- Long Hồ) cho biết: “Tôi đang từng bước tái đàn heo với 4 con heo nái được hơn nửa năm nay, đã tẻ được 1 bầy, tôi cũng tiếp tục gầy thêm để nuôi tiếp. Lần này tôi nuôi kỹ hơn trước, chú trọng kiểm soát quy trình chặt chẽ hơn, dự kiến sang năm, sẽ tăng số lượng tái đàn”.
 
Theo anh Tân, áp dụng chăn nuôi ATSH được nhiều lợi ích hơn, đàn vật nuôi có sức đề kháng cao, hạn chế nhiễm các loại dịch bệnh nên chi phí kháng sinh giảm khoảng 20- 30%, chi phí thức ăn giảm và năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Do đó, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 15- 20% so với nuôi theo phương pháp truyền thống thông thường.
 
Cũng bước đầu thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn nên cô Trịnh Thị Hai (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) chú trọng quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt từ lựa chọn thức ăn, nước uống đến phòng bệnh cho heo đều được cẩn thận, không cho người lạ tiếp cận chuồng heo để tránh rủi ro lây lan mầm bệnh.
 
Cô Hai cho biết: “Tôi đã đầu tư xây lại chuồng cho cao ráo, khép kín, kết hợp thiết bị phun khử trùng thường xuyên để triệt tiêu mầm bệnh.
 
Đồng thời, để heo khỏe, bên cạnh khâu phòng bệnh thì còn phải chú ý giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng yếu nên phải thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, các vitamin trộn vào thức ăn, nước uống để heo tăng sức đề kháng”.
 
Để cuối năm đàn heo của tỉnh đạt 240.000 con, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nâng cao chất lượng giống; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
 
Tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, chăn nuôi ATSH, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong diện tiêm phòng, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy phục vụ phòng chống dịch.
 
Đồng thời, khuyến cáo các trang trại chăn nuôi heo cần nâng cấp và tuân thủ tuyệt đối ATSH không được chủ quan để bảo vệ đàn heo đặc biệt đàn heo giống để tái đàn sau khi hết dịch.
 
Những hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn heo phải lựa chọn nguồn con giống từ những đơn vị đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, không mua heo giống trôi nổi, bởi nguy cơ tái phát dịch bệnh cao. Đặc biệt, phải tuân thủ nghiêm các quy định khi tái đàn.
 
Thời gian qua, công tác phát triển, nâng cao chất lượng giống nông nghiệp được chú trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của địa phương. Theo đó, ngành nông nghiệp đã đầu tư phát triển hệ thống nhân giống heo chất lượng cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020: Đã chuyển giao heo giống 435/813 con, đạt 53,5% kế hoạch; tập huấn chuyển giao kỹ thuật 8 lớp; để thực hiện kế hoạch hỗ trợ đàn heo giống gốc năm 2020 đã sản xuất cung ứng 612/680 con heo hậu bị.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu