Vi phạm gia tăng
Vào hồi 2 giờ 30 phút ngày 15-8 vừa qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển phía đông nam huyện Côn Ðảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên đội I/20, Hải đoàn 18 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã phát hiện tàu TG 92233 TS do ông Võ Minh Tân (46 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn, cho nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có bốn thành viên, thuyền trưởng không xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng hơn 150 nghìn lít dầu đi-ê-den (DO). Lực lượng chức năng đã lập biên bản và lai dắt tàu TG 92233 TS về cảng Hải đoàn 18 để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Ngày 18-6, tại khu vực cách nam Côn Ðảo khoảng 130 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển (CSB) đã phát hiện, kiểm tra một tàu quốc tịch Mông Cổ có hành vi cập mạn, mua bán trái phép dầu DO với một tàu cá Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có khoảng 800 nghìn lít dầu DO và trên tàu cá Việt Nam có khoảng 300 nghìn lít dầu DO. Tất cả số dầu nêu trên không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc cho nên đã bị lực lượng chức năng tịch thu và xử phạt hành chính 260 triệu đồng. Hơn 1,1 triệu lít dầu DO được cơ quan chức năng bán đấu giá thu về gần 10 tỷ đồng. Trên đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ buôn lậu xăng dầu được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua.
Theo đại diện của Tổng cục Hải quan, mặc dù các lực lượng chức năng đã không ngừng tăng cường đấu tranh, bắt giữ, xử lý hàng loạt các vụ việc vi phạm. Thế nhưng, tình trạng nêu trên hiện diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu vẫn diễn ra thường xuyên tại vùng biển ngoài khơi xa, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ và dẫn giải về để điều tra, xử lý. Qua hoạt động kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tàu buôn lậu với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thường sang cất xăng dầu vào các can nhựa, thùng phuy, rồi sử dụng tàu cá công suất lớn, tàu siêu tốc, thậm chí, dùng cả ghe, xuồng nhỏ chở vào khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để bán lậu xăng dầu với các tàu trong nước hoặc mang về đất liền tiêu thụ kiếm chênh lệch.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam, trong sáu tháng năm 2020, lực lượng CSB đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33 vụ, 51 tàu, 239 đối tượng với tổng số tiền xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng; tịch thu hơn 3,6 triệu lít dầu DO, hơn 342 nghìn kg dầu ma-dút, hơn 1,8 triệu lít xăng. Tổng số tiền xử lý hàng hóa, tang vật liên quan khoảng hơn 160 tỷ đồng. Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh CSB Việt Nam cho biết, hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn ra mạnh nhất tại khu vực giáp ranh các nước và vùng biển tây nam Việt Nam. Không chỉ tàu chở hàng, hiện nhiều tàu cá cải hoán cũng tham gia buôn lậu xăng dầu khiến tình hình rất phức tạp. Nguyên nhân do giá xăng dầu lậu giao dịch trên biển chỉ bằng hai phần ba giá bán lẻ trong đất liền. Trong khi đó, nhu cầu về dầu DO của tàu đánh bắt tăng, các đối tượng lợi dụng điều này để bán trực tiếp cho ngư dân với số lượng lớn. Thủ đoạn của các đối tượng thường giao dịch vào ban đêm tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước, khi bị tàu CSB truy đuổi thì các phương tiện vi phạm cố tình chạy sang vùng biển nước ngoài, không chấp hành các mệnh lệnh dừng tàu của cơ quan chức năng. Do đó, lực lượng CSB phải mất nhiều thời gian để tập trung vây bắt. Vì vậy, để đấu tranh được với các đối tượng này, yêu cầu đặt ra phải bắt được quả tang hành vi vi phạm, song hoạt động trên biển phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, hơn nữa trên biển địa hình trống trải, việc tiếp cận khó giữ được bí mật, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật. Chưa kể, nếu bị bắt giữ, một số đối tượng manh động, sẵn sàng dùng súng bắn về phía tàu của lực lượng chức năng để chống trả nhằm tẩu tán tang vật.
Tăng cường quản lý hệ thống
Không chỉ ngoài khơi, ngay cả trong đất liền, hoạt động buôn lậu, gian lận trong lĩnh vực xăng dầu cũng rất phức tạp. Các đối tượng thường xuyên tổ chức chỉ đạo chặt chẽ hoạt động kinh doanh trái phép từ ngoài khơi cho tới vào trong đất liền, che giấu triệt để nguồn thông tin liên lạc, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, tạo vỏ bọc kinh doanh hoặc vận chuyển thuê xăng dầu nhằm che giấu hoạt động kinh doanh trái phép. Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm 2019 đến nay, riêng trong lĩnh vực xăng dầu, các lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 1.825 vụ, xử lý 673 vụ, tước quyền kinh doanh 19 cửa hàng, đình chỉ hoạt động chín cửa hàng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 12 tỷ đồng, xử lý nhiều vụ mua bán xăng dầu nhập lậu qua đường biển với số lượng lớn. So với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu rất lớn, số vụ vi phạm trung bình 1,5 vụ/ngày.
Theo Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh, lực lượng QLTT đã thường xuyên phối hợp cùng CSB, Bộ đội Biên phòng triển khai công tác chống buôn lậu, nhất là trên tuyến biên giới Ðông Nam Bộ và biên giới phía tây nam miền trung. Mặc dù lực lượng QLTT đã nỗ lực để giảm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều khó khăn vì đây là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh kiểm tra, xử lý chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Mặt khác, các lực lượng chức năng phải phối hợp tốt, thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu xăng dầu. Tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục mới ngăn chặn hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu. Lực lượng QLTT cũng thường xuyên phối hợp các bên: Công an, thanh tra khoa học - công nghệ, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng phân tích, giám định mẫu xăng dầu giả, kém chất lượng qua nguồn tin báo của người dân. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân mạnh dạn tố giác những đối tượng, những cửa hàng xăng dầu có nghi vấn. Thời gian tới, lực lượng QLTT trên cả nước sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu tại thị trường trong nước. Theo đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh ký cam kết không kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và gian lận đo lường để người kinh doanh, DN chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng đang diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của các DN làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Không chỉ vậy, với mỗi lít xăng dầu nhập lậu có mức giá chỉ bằng hai phần ba so với giá bán trên thị trường đã làm cho ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thực tế cũng chứng minh, buôn bán xăng giả, kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Do cửa hàng không xuất hóa đơn và khách hàng mua nhỏ lẻ cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn, điều này khiến cho đại lý xăng dầu rất dễ "hợp thức hóa" khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường. Do đó, cần tăng cường quản lý hệ thống, phối hợp đồng bộ giữa các DN phân phối, quản lý chất lượng và QLTT nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Minh Tiến cho biết, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu diễn biến phức tạp và tinh vi đã ảnh hưởng nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Về lâu dài, khách hàng cần nâng cao nhận thức, lựa chọn sản phẩm một cách thông minh thì hàng giả, hàng gian sẽ bị đào thải, không thể tồn tại.