Thứ năm, 04/06/2020,09:21 (GMT+7)
Ngân hàng chạy đua với thời gian chuyển đổi thẻ chip
Thông tư 41/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đã đưa ra lộ trình đến cuối năm 2021, toàn bộ thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, lộ trình chuyển đổi thẻ chip của các ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
 
 
ngan hang chay dua voi thoi gian chuyen doi the chip 127729
Hiện Vietcombank vẫn duy trì chính sách chuyển đổi miễn phí cho khách hàng từ thẻ từ sang thẻ chip. Ảnh: Vietcombank
 
 
Chậm do... Covid-19
 
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, Sacombank định hướng sẽ chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip, nhưng đến nay lượng thẻ chip mới chiếm 50% trên tổng lượng thẻ tại Sacombank. Tỷ lệ thẻ từ chủ yếu nằm ở thẻ nội địa, còn với thẻ quốc tế, từ vài năm nay Sacombank phát hành ra đều là thẻ chip. Theo ông Tâm, Sacombank đã bắt đầu chuyển đổi thẻ chip từ tháng 6/2019, nhưng việc triển khai mất khá nhiều thời gian, chi phí. Đặc biệt là thời gian eo hẹp khi thời gian sản xuất thẻ chip tốn gấp 3 lần so với thẻ từ và cần có sự phối hợp, hợp tác của khách hàng. Trong khi đó, suốt 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lớn khiến việc chuyển đổi thẻ chip bị chậm lại do ngân hàng gặp khó khăn trong việc liên hệ, tiếp cận trực tiếp với khách hàng.
 
Cùng chung ý kiến với ông Tâm, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai cập nhật thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ chip gặp nhiều khó khăn do không thể thực hiện đối với các dòng máy cần cập nhật trực tiếp tại máy EDC/ATM. Thêm vào đó, việc chưa có sự đồng bộ, đồng tốc trong chuyển đổi giữa các ngân hàng sẽ hạn chế việc chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, gây ra những trải nghiệm không tốt cho khách hàng.
 
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia (NAPAS) chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19, NAPAS hầu như không thể tiếp cận ngân hàng hay các đơn vị cung ứng phôi thẻ để triển khai việc chuyển đổi. Hiện tại khi dịch bệnh đã được khống chế, NAPAS sẽ nỗ lực hoàn tất việc cấp chứng thực hệ thống chuyển đổi thẻ cho tất cả các ngân hàng trong năm 2020. Đồng thời hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận các dịch vụ thanh toán mới từ thẻ không tiếp xúc.
 
Chạy đua với thời gian
 
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi thẻ chip nhằm nỗ lực về đích đúng hạn. Mới đây, ngân hàng Quân đội (MB) đã công bố phát hành dòng thẻ ghi nợ nội địa áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa VCCS. MB cho biết, với thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn VCCS, ngân hàng có thể phát triển và ứng dụng các công nghệ cao như contactless (không tiếp xúc) cho dịch vụ thanh toán của thẻ nội địa trong thời gian tới.
 
Tương tự, tại Agribank – ngân hàng đang phục hơn hơn 13 triệu thẻ đang hoạt động, vừa chính thức phát hành thẻ chip nội địa không tiếp xúc theo bộ tiêu chuẩn VCCS tiên tiến nhất kể từ ngày 20/5. Theo Agribank, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ được Agribank cũng như chủ thẻ đặc biệt quan tâm, việc thẻ chip nội địa ra đời theo chuẩn VCCS chính là đáp án cho bài toán đó. Song song với việc phát hành thẻ chip nội địa không tiếp xúc, Agribank cũng đang phát hành thẻ chip quốc tế không tiếp xúc thương hiệu Visa/Mastercard theo chuẩn EMV. Hiện, toàn bộ hơn 3.000 ATM/CDM và hơn 24.000 POS của Agribank trên toàn quốc cũng đã hoàn thành cập nhật tính năng chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, quốc tế không tiếp xúc để hỗ trợ khách hàng giao dịch.
 
Vietcombank cũng đang nỗ lực để hoàn tất chuyển đổi thẻ chip kịp với lộ trình đã đề ra. Bà Nguyễn Hồng Vân cho biết, hiện ngân hàng đã phát hành và chuyển đổi trên 1 triệu thẻ chip không tiếp xúc và nâng cấp trên 50% EDC, gần 70% ATM chấp nhận thẻ chip theo Bộ tiêu chuẩn cơ sở trên toàn hệ thống.
 
Theo bà Vân, chi phí chuyển đổi là thách thức chung của các ngân hàng bởi chi phí phôi thẻ chip cao gấp nhiều lần so với phôi thẻ từ. Đối với những ngân hàng có lượng thẻ lưu hành lớn, hệ thống EDC và ATM lớn như Vietcombank thách thức càng lớn hơn. Với số lượng thay thế ATM và EDC để chấp nhận thẻ chip lớn nên chi phí đầu tư bỏ ra lớn, đồng thời công tác mua sắm cũng như thay thế các máy ATM cần nhiều thời gian trong khi đó Vietcombank vẫn cần đảm bảo số lượng ATM và EDC để phục vụ nhu cầu rút tiền mặt, chi tiêu của người dân. Tuy nhiên, để việc triển khai thẻ chip được diễn ra thuận lợi, đúng lộ trình, hiện Vietcombank vẫn duy trì chính sách chuyển đổi miễn phí cho khách hàng từ thẻ từ sang thẻ chip.
 
Trong khi đó, tại Sacombank, ông Tâm lo ngại việc chuyển đổi thẻ chip khó theo kịp tiến độ. “Ngân hàng Nhà nước cần xem xét kéo dài thời gian chuyển đổi thẻ chip. Vì với điều kiện hiện nay ngân hàng khó có thể hoàn tất kịp theo lộ trình đã đề ra” – ông Tâm kiến nghị.
 
Theo số liệu công bố của NAPAS, tính đến hết quý I/2020, đơn vị này đã hoàn thành chứng nhận tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho 26 ngân hàng, 9 đơn vị cung cấp phôi thẻ và 5 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Để thẻ chip nội địa thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thẻ chip nội địa, chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ cho các đơn vị chấp nhận thanh toán, trong vai trò Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia, NAPAS hiện đang xây dựng hệ sinh thái trên nền tảng công nghệ chip. Theo đó, NAPAS phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, đa kênh thanh toán, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán số của khách hàng.
 
Cụ thể, NAPAS đang xúc tiến việc phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng để thử nghiệm việc sử dụng thẻ chip không tiếp xúc của ngân hàng để thanh toán các dịch vụ như xe buýt, metro… tương tự như vẻ điện tử tại các quốc gia tiên tiến như Anh, Singapore…
 
Khải Kỳ - (haiquanonline.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu