Chủ nhật, 03/07/2022,03:13 (GMT+7)
Ngân hàng rao bán nợ liên quan bất động sản
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại tiếp tục rao bán nhiều khoản nợ có giá khởi điểm từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng, có tài sản thế chấp là bất động sản.
 
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của khách hàng. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 30-4 là hơn 4.837 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
 
Theo tìm hiểu, dự án được đề cập trong thông báo của BIDV ở TP HCM là Kenton Node (nay là Grand Sentosa) quy mô 9 tòa nhà, 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Tài sản này được đồng thế chấp tại 3 ngân hàng, trong đó, BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Dự án được đổi tên thành Grand Sentosa sau khi có sự tham gia của nhà đầu tư mới.
 
 
Một dự án bất động sản khác bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xử lý thu hồi nợ là của Công ty CP Đầu tư Minh Việt. Khoản nợ của công ty này do Agribank chi nhánh Đông Hà Nội quản lý, cho vay. Giá khởi điểm của khoản nợ hơn 169 tỉ đồng, bằng với giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 17-6 (gồm dư nợ gốc và nợ lãi).
 
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là 3 quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai, quyền và lợi ích của công ty này với toàn bộ công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp Tricon Towers ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Đáng chú ý, dự án Tricon Towers đã ngưng thi công từ nhiều năm qua sau khi khởi công vào năm 2009 và chỉ mới thi công phần móng.
 
Không chỉ dự án bất động sản, các ngân hàng thương mại còn rao bán, phát mại tài sản là nhà đất, căn hộ chung cư của nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khác để thu hồi, xử lý nợ xấu.
 
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, hệ thống ngân hàng tiếp tục xử lý được 54.900 tỉ đồng nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 4-2022 ở mức 1,58%. Dù vậy, riêng với nợ xấu bất động sản, việc xử lý, phát mại không dễ trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao nhưng thanh khoản thị trường không thật sự khởi sắc.
 
Linh Anh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu