Thứ hai, 21/06/2021,10:51 (GMT+7)
Ngành công thương duy trì đà phát triển với những điểm sáng
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Việc lưu thông hàng hóa bị trì trệ, tồn kho sản phẩm công nghiệp lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành công thương. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế”, ngành công thương vẫn duy trì được đà phát triển với những điểm sáng.
Chế biến thủy sản là 1 trong 2 ngành chính đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công thương
 
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu
 
Năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp đạt 10.844 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2020 tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như hạn chế đi lại, đóng cửa các nhà hàng, đóng cửa biên giới và sân bay... gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng thế giới suy giảm. Đây cũng là năm đầu tiên mặt hàng chế biến cá tra xuất khẩu có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế”, Đồng Tháp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 1.041 triệu USD.
 
Đáng chú ý, các ngành công nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng với mức tăng trưởng khá như lúa gạo, cá tra. Riêng chế biến thủy sản và thức ăn chăn nuôi tiếp tục là động lực chính đóng góp lớn vào tăng trưởng của toàn ngành.
 
Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh được khôi phục. Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 33.600 tỷ đồng, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 54,52%. Đáng chú ý, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ như gạo xay xát lau bóng, thủy sản chế biến, thức ăn chăn nuôi...
 
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tại nhiều quốc gia trên thế giới tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 606 triệu USD, tăng 27,13% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,08% so với kế hoạch.
 
Ấn tượng với những kết quả của ngành công thương thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho hay, trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc duy trì tăng trưởng ổn định là nỗ lực rất lớn của ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bên cạnh việc phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành công thương cùng các ngành cần tổ chức lại chuỗi ngành hàng, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng bền vững.
 
Tái cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng
 
Nhận định dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2021, ngành công thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời. Đồng thời lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
 
Riêng giai đoạn 2021-2025, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 9,82%/năm; giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt 8,8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ bình quân đạt 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 7,58%/năm.
 
Về giải pháp, ngành công thương sẽ tập trung tái cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp có lợi thế về chế biến nông sản, kết hợp đầu tư hạ tầng công nghiệp để thu hút, phát triển ngành công nghiệp mới. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã triển khai; đầu tư đổi mới trình độ công nghệ sản xuất...
 
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, DN, để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh cần có chính sách về giao thông, hạ tầng; chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đầu tư chuyển đổi số. Đặc biệt phải mạnh dạn xây dựng một khu công nghiệp đặc thù để thu hút các DN lớn, ngành nghề có tính công nghệ cao. Riêng ngành công nghiệp chế biến, đây được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, vì vậy cần có những đầu tư sâu hơn đối với ngành này, đồng thời có những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư...
 
MN - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu