Thứ sáu, 23/10/2020,10:19 (GMT+7)
Ngành tôm kỳ vọng bứt phá dịp cuối năm
Từ đầu năm, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đầu ra bị "tắc" bởi dịch COVID-19, song ngành tôm nước ta vẫn duy trì ổn định. Với những lợi thế có được từ EVFTA và dự báo nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch COVID-19 là cơ hội để con tôm tăng lợi thế cạnh tranh, tạo bứt phá vào dịp cuối năm.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ. 
 
Duy trì ổn định
 
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết: Ngay từ đầu năm, Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt. Ðồng thời, ban hành văn bản về việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ năm 2020 với các biện pháp tổng hợp: khung lịch mùa vụ; quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất; hướng dẫn phòng bệnh EHP. Về phía các địa phương, ngay từ đầu năm, 100% tỉnh, thành đều xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2020, ban hành khung thời vụ thả giống phù hợp và thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo sản xuất để tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Ðồng thời, ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí ứng phó hạn mặn và phòng chống dịch bệnh thủy sản hoặc có hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân áp dụng được tốt; phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và triển khai thực hiện…
 
Theo phản ánh của nhiều địa phương, mặc dù gặp khá nhiều bất lợi, song với sự chủ động từ trước nên diện tích, sản lượng tôm thu hoạch vẫn duy trì ổn định. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Long An, cho biết: 9 tháng năm 2020, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh 4.599ha, đạt 65% so kế hoạch, bằng 104,1% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 4.013,3ha, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha, với tổng sản lượng gần 10.660 tấn, đạt 76,1% so với kế hoạch và bằng 129,1% so với cùng kỳ. Về đầu ra, vùng nuôi tôm của Long An giáp với thị trường tiêu thụ lớn là TP Hồ Chí Minh nên sản phẩm tôm được tiêu thụ thuận lợi, đa số người nuôi đều có lãi từ 100-300 triệu đồng/ha.
 
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho rằng, nuôi tôm nước lợ là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Trong đó, 2 vùng trọng điểm nuôi tôm là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng. Thời gian qua, chúng tôi huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển tốt nhất để tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ðến tháng 9-2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt gần 129.370ha, đạt 99% kế hoạch; sản lượng 77.139 tấn, đạt 90,8% kế hoạch. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp diện tích đạt 3.579ha, sản lượng đạt 25.279 tấn, năng suất trung bình khoảng 7,16 tấn/ha; nuôi tôm - lúa diện tích 97.721ha, sản lượng 41.626 tấn, năng suất trung bình khoảng 461 kg/ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến diện tích 28.064ha, sản lượng 10.234 tấn, năng suất trung bình khoảng 432 kg/ha.
 
Tận dụng thời cơ
 
Từ tháng 8-2020, ngay khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%  được giảm về 0%. Ðáng chú ý là các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức 4,2% (thuế GSP) về 0%. Ðây là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam đàm phán với nhà nhập khẩu EU khi so sánh với tôm cùng loại từ Thái Lan đang bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Ðộ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người nuôi, doanh nghiệp cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Ðặc biệt, doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.
 
Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định: "Nguồn cung tôm thế giới sau dịch COVID-19 có khả năng sẽ thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch. Trong đó, 4 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang mạnh tay khôi phục kinh tế đều là những thị trường chính của tôm Việt Nam". Theo ông Hòe, xu hướng tiêu dùng của thế giới có thể thay đổi lớn sau dịch bệnh, tuy nhiên tập quán ưa chuộng thủy sản vẫn không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ngành tôm ÐBSCL vẫn đứng trước các thách thức: dịch bệnh trên tôm ngày càng dễ bùng phát; chi phí nuôi tôm tăng; vấn đề nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đòi hỏi của thị trường ngày càng tăng dần và phức tạp hơn…
 
Nhiều ý kiến cho rằng, khoa học công nghệ góp phần giải quyết thách thức nói trên. Ðơn cử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất và tiêu thụ để người nuôi tôm không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông Trần Công Khôi nhấn mạnh: Trước diễn biến thời tiết bất thường, ngành Nông nghiệp cần phổ biến, hướng dẫn người nuôi lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới; thực hiện ương/vèo giống (20-25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi. Ðồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành, phát triển các hợp tác xã/tổ hợp tác; khuyến khích phát triển hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về phía các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, Global GAP, ASC… để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới...
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu