Mưa liên tục kết hợp với triều cường nên mực nước dâng cao và nhanh khiến cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Hậu Giang trở tay không kịp.
Tại huyện Phụng Hiệp có hơn 650 căn nhà bị ngập, nhiều điểm trường bị ngập sâu, hơn 36 km đê bao, lộ giao thông nông thôn bị nước tràn, gần 800ha lúa Thu đông bị đổ ngã, ngập úng, trong đó nhiều diện tích bị thiệt hại từ 30-70%, hơn 1.000ha mía bị ngập từ 5cm-30cm, có nơi hơn 40cm, nhiều nơi mía bắt đầu vàng lá do bị úng.
Tại các địa phương khác trong tỉnh, nhất là huyện Vị Thủy, Thị xã Long Mỹ và Thành phố Vị Thanh cũng lâm vào tình trạng ngập úng tương tự.
Ông Lê Văn Quảng ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy cho biết: “Năm nay, ngập nhiều hơn các năm trước. Chuồng gà, chuồng vịt, nhà cửa, đồ đạc ngập hết. Trầu 1.000 nọc chết tới 800 nọc, còn có 200 nọc. Trầu chết, không thu hoạch được, kinh tế rất eo hẹp”.
Nước dâng cao gây ngập nhà cửa, vườn tược của người dân Hậu Giang
Xót xa nhất là nông dân trồng lúa trong tỉnh, bởi đang kỳ vọng vụ lúa Thu Đông này sẽ thắng lợi như vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu vừa qua, tuy nhiên, thiên tai đã làm cho niềm vui tiêu tan. Mưa dầm cùng với triều cường đã gây đổ ngã, ngập úng nhiều diện tích lúa trong giai đoạn thu hoạch khiến cho năng suất, chất lượng lúa bị sụt giảm nặng.
Hiện, nhiều diện tích lúa quá ngày, đang bị ngập sâu, đổ ngã, nảy mầm nhưng máy cắt không thể xuống ruộng để cắt lúa được. Để vớt vát lại phần nào vốn liếng đã đầu tư, nhiều nông dân đã liên hệ với cánh “cò lúa” đến xem mua lúa thu hoạch bằng tay để bà con gấp rút kiếm nhân công cắt, tuy nhiên, nhân công lúc này cũng khan hiếm và giá cắt lúa tăng cao.
Nhiều tuyến đường giao thông, trường học cũng bị nước dâng ngập
Ông Huỳnh Văn Phúc ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp canh tác hơn 2ha lúa, tới ngày thu hoạch bị mưa lớn cùng với triều cường làm cho tất cả đổ sập. Ông Phúc cho biết: “Gần tới lúc thu hoạch thì lúa sập, ngập hết, thuê cắt 350.000 đồng/công, cao hơn 100.000 đồng/công. Lúa này 600kg/công mà bây giờ cắt 1 công còn có 5-6 bao”.
Qua tổng hợp bước đầu của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến nay, đã có hơn 4.300ha lúa Thu Đông trong giai đoạn trổ chín đến sắp thu hoạch bị đổ ngã, với tỷ lệ đổ ngã từ 10-100%, ước thiệt hại năng suất từ 5-80% và có hơn 5.800ha lúa Thu Đông ở giai đoạn mạ và trổ chín đến sắp thu hoạch bị ngập sâu từ 10-30cm.
Hàng ngàn ha lúa thu đông sắp thu hoạch bị đổ ngã
Mực nước trên các sông, kênh, rạch dâng cao cũng gây ngập úng hơn 1.500 ha khóm, gần 1.100ha mía, hơn 500 ha vườn cây ăn trái, với độ ngập từ 10-100cm; làm đổ ngã nhiều diện tích mía, làm ngập úng nhiều diện tích rau màu và nhà dân. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 20.000ha đất tự nhiên và đất ven lang bãi bồi bị ngập sâu trong nước từ 10-30cm.
Trước những ảnh hưởng và thiệt hại trong sản xuất do mưa bão, triều cường gây ra, những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã thành lập nhiều đoàn đến khảo sát, kiểm tra tình hình ngập úng tại nhiều nơi; đồng thời, chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với các địa phương triển khai giải pháp cấp bách để hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.
Mặc dù tích cực bơm rút nước nhưng những vườn trầu vẫn bị thiệt hại nặng do ngập sâu
Ông Trương Cảnh Tuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo ngành Nông nghiệp, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát, nắm tình hình ảnh hưởng, thiệt hại. Trên cơ sở đó, Thường trực UBND tỉnh xem xét để hỗ trợ thiệt hại cho bà con theo quy định của Nhà nước”.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, nếu như một số địa phương vùng đầu nguồn của tỉnh là huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy khi triều cường dâng cao gây ngập sâu nhưng lại rút rất nhanh do nằm cạnh sông Hậu, kênh xáng Xà No thì các địa phương cuối nguồn của tỉnh như: huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh... khi bị ngập sâu thì nước cầm chân và rút rất chậm do nằm ở vùng trũng.
Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu các ban, ngành hữu quan và các địa phương cần đặc biệt quan tâm về môi trường, nguồn nước sinh hoạt. Bằng mọi giải pháp, việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường nước làm phát sinh dịch bệnh phải được ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện tốt ngay từ thời điểm này./.