Chủ nhật, 29/09/2019,06:20 (GMT+7)
Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền: Sân chơi tương tác giữa người dân bản địa và du khách
Những ngày cuối tháng 9, Phong Điền trở thành điểm thu hút nhiều du khách với Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền. Hòa vào không khí náo nhiệt của Ngày hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du khách còn được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bằng trái cây, thưởng thức những món ngon dân dã đậm chất miệt vườn sông nước.

Du khách tham quan các mô hình tạo hình trái cây nghệ thuật.

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền là sự kiện do huyện Phong Điền phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27-9), cũng như tạo điểm nhấn cho chuỗi sự kiện, hoạt động lễ hội của ngành du lịch thành phố. Qua mỗi năm, Ngày hội không ngừng giới thiệu, quảng bá các thương hiệu nông sản, trái cây đặc trưng của địa phương; cũng như tái hiện được những nét văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống, các đặc sản đậm nét sông nước Tây Nam bộ.

Năm 2019, Ngày hội có nhiều điểm mới, hướng đến cộng đồng và dành sự tương tác cho người dân với du khách một cách mạnh mẽ hơn. Với khoảng 180 gian hàng, trong đó có 30 gian hàng quảng bá sản phẩm, đặc sản của các quận huyện, mang đến cho khách tham quan cơ hội được biết đến và thưởng thức các loại cây trái ngon, các món ăn đặc trưng của Cần Thơ. Chỉ cần dạo quanh một vòng, du khách có thể thấy được không ít đặc sản quê, hiếm có như: ngó môn, dưa môn của huyện Cờ Đỏ; dâu hạ châu, măng cụt, cam mật…- đặc sản trái cây của Phong Điền. Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, ở quận Ninh Kiều, thích thú bày tỏ: “Tôi được mọi người giới thiệu nên biết rất nhiều đặc sản của Phong Điền: chanh không hạt Trường Long, cam Mỹ Khánh, ổi Giai Xuân, nhãn Nhơn Nghĩa… Mỗi nơi đều có nét riêng, là điều thú vị với du khách”.

Qua Ngày hội, xã Trường Long, huyện Phong Điền không chỉ được biết đến với chanh không hạt mà còn có nhãn tím độc đáo. Giống nhãn tím tại đây đã được trồng, lai tạo thành công và bắt đầu tạo được danh tiếng gần xa với du khách. Mỗi ký nhãn tím có giá 200.000-250.000 đồng, nhưng vẫn hút hàng. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền, cho biết: “Chợ quê năm nay có khoảng 12 gian hàng, trong đó chủ yếu là giới thiệu các sản vật, ẩm thực, làng nghề truyền thống của địa phương đến với du khách gần xa”. Không chỉ nổi tiếng với nhiều trái cây đặc sản, Phong Điền còn có những nông dân sáng tạo, khéo léo. Sử dụng những sản vật địa phương: dâu hạ châu, ca cao, ổi, cam… là vật liệu chính, các nghệ nhân đã tạo ra không ít mô hình nghệ thuật bằng trái cây với những tạo hình bắt mắt, thu hút đông đảo du khách thưởng lãm và chụp ảnh. Chị Lê Ngọc Kiều Trang đến từ quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Những mô hình rất kỳ công, không chỉ giới thiệu được trái cây của mỗi địa phương mà còn cho thấy sự sáng tạo của nông dân. Những hình ảnh đẹp, độc đáo này thu hút du khách; từ đó, du khách chú ý tìm hiểu về địa phương”.

Hội thi chim hót, chim cảnh.

Hội thi chim hót, chim cảnh.

Một hoạt động khác cũng có sức hút và lan tỏa không kém chính là Hội thi chim hót, chim cảnh. Đây là lần đầu hội thi được tổ chức tại Phong Điền, nhưng đã quy tụ nhiều người đến từ các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Anh Đoàn Viết Quang, ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Từ những người bạn, tôi biết được thông tin về hội thi ở Phong Điền nên cũng tranh thủ sắp xếp việc đến đây tham gia. Trước tham gia cho vui, sau là để giao lưu với mấy anh chị, học hỏi kinh nghiệm. Lần này, tôi tham gia ở thể loại chích chòe than. Hy vọng sẽ có nhiều hội thi như thế này trong các hoạt động lễ hội để anh em các tỉnh, thành có dịp gặp gỡ, giao lưu”. Mặc dù hội thi diễn ra ngay mùa chim thay lông, nhưng vẫn quy tụ khá đông người đến tham gia, tạo thành sân chơi náo nhiệt. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi chim hót, chim cảnh, cho biết: “Mặc dù là lần đầu tổ chức nhưng hội thi nhận được sự quan tâm của nhiều nghệ nhân từ nhiều tỉnh, thành bạn trên cả nước. Thành công của lần tổ chức này, chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là sẽ duy trì và mở rộng hội thi, xem đây như là hoạt động thường kỳ ở Ngày hội, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các nghệ nhân, để du khách cũng có nhiều hoạt động trải nghiệm hơn khi đến với Ngày hội”. 

Tại Ngày hội cũng có không ít các cô, các chị khéo tay mang đến cho du khách những món bánh dân gian Nam Bộ. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, ở xã Trường Long, đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm bánh, chia sẻ: “Từ bà và mẹ, tôi học được nhiều bí quyết làm bánh. Đến với Ngày hội, tôi mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó, đồng thời, quảng bá được các loại bánh truyền thống đến với du khách”. Đến với Ngày hội, chị  Kim Ngọc mang đến bánh chuối hấp, loại bánh truyền thống nhưng được biến tấu tạo hình và cách làm mới rất kỳ công, vừa đảm bảo an toàn, vừa ngon lại đẹp mắt. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Ở đây có nhiều loại bánh ngon, món ăn dân dã. Đến đây mình có thể thưởng thức nhiều món mà có khi ở ngoài chợ ít bán”. Bên cạnh đó, Ngày hội còn có nhiều hoạt động như: biểu diễn vỏ lãi, đua ghe chèo…thu hút nhiều khách tham quan.

Tính đến nay, Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền đã 8 lần diễn ra, qua từng năm, dần được mở rộng và nâng chất, trở thành điểm kết nối quảng bá, cung cầu các sản vật, nông sản địa phương, cũng như giới thiệu được những món ngon độc đáo của vùng sông nước Tây Nam bộ. So với những năm trước, Ngày hội năm nay thực sự là sân chơi của người dân và du khách.

Bài, ảnh: Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu