Thứ ba, 25/05/2021,11:36 (GMT+7)
Nghề bếp chỉ dành cho người thật sự đam mê
“Thuộc nhóm ngành dịch vụ, nghề đầu bếp gắn liền với rất nhiều áp lực. Bên cạnh những đòi hỏi về kỹ năng, thao tác nghiệp vụ, người làm bếp cần có niềm đam mê và sự tận tâm mới có thể trụ vững cùng nghề”. Đó là chia sẻ của chuyên gia ẩm thực Nguyễn Trần Long, chủ nhân Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hòa Ký, với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với nghề bếp.
Ông Nguyễn Trần Long chia sẻ cách nấu món ăn ngon.
Ông Nguyễn Trần Long chia sẻ cách nấu món ăn ngon.
 
Khi còn là một thanh niên, ông Long dành phần lớn thời gian học kỹ thuật nấu ăn từ nhiều đầu bếp giỏi và xin làm việc tại nhiều nơi khác nhau để tích lũy kinh nghiệm. Ông Long chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi ở gần nhà hàng Tân Hiệp Quán, Biên Hòa. Do thích nấu ăn nên tôi thường xuyên vào bếp xem các đầu bếp (chef) tác nghiệp. Dần dà, tôi đam mê và quyết tâm theo đuổi học nghề này”. Theo ông Long, phần lớn những đầu bếp xưa không có được điều kiện học tập, đào tạo ở trường lớp bài bản như ngày nay. Vì yêu nghề, ông Long sẵn sàng học thí công, theo nghề từ khâu phụ bếp, lau chùi, dọn dẹp vệ sinh bếp… Vừa làm, ông vừa để ý học “lỏm” nghề, tự đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình.
 
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Long trở thành bếp trưởng và từng làm việc tại nhiều nhà hàng lớn. Đặc biệt, ông Long là tổng bếp trưởng đầu tiên của Công ty Unilever Food Solution tại Việt Nam, phụ trách 13 tỉnh ĐBSCL. Mang một tình yêu lớn với nghề bếp, ở tuổi 44, ông Long mạnh dạn khởi nghiệp, xây dựng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hòa Ký chuyên sản xuất các loại gia vị (tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Đây cũng chính là công ty tiên phong sản xuất gia vị đầu tiên của ĐBSCL. Theo chia sẻ của ông Long, Việt Nam được xem như một thị trường khó tính với ngành gia vị bởi có nền ẩm thực đa dạng. Vì thế, ông đã nghiên cứu, mày mò để sản xuất nhiều loại gia vị mới, đóng góp cho kho tàng ẩm thực Việt Nam, góp phần mang đến những thay đổi mới mẻ trên thị trường công nghiệp thực phẩm gia vị Việt. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hòa Ký sản xuất hơn 30 loại gia vị khác nhau, như: bột bánh xèo Hương Việt, bột ngũ vị hương, bột cà ri, bột lẩu Bak-Kut-Teh, bột quay heo, giấm gia dụng, bột Teriyaki, rượu hoa tiêu,… Trong đó, 2 sản phẩm được khách hàng ưa chuộng nhất, chính là bột chiên giòn và bột ngọt điều vị - tăng hương vị M100. Bình quân mỗi tháng, công ty của ông cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 30 tấn gia vị các loại. Theo ông Long, chẳng phải ngẫu nhiên mà mọi người ca ngợi “nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là một nghệ sĩ”. Bởi, để tạo ra các món ăn ngon, người đầu bếp cũng cần phải vận dụng rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và công phu chế biến, trình bày. Đặc biệt, không thể thiếu bí quyết gia vị để “thổi hồn” cho những món ăn vừa tinh tế về hương vị mà vẫn đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe của thực khách. Đó cũng chính là bí quyết đã giúp ông đứng vững và thành công với nghề bếp trong suốt nhiều năm qua. Ngoài công việc hiện tại, ông Long còn giảng dạy nấu ăn miễn phí cho nhiều học trò. Từ sự hướng dẫn của ông, đến nay, có rất nhiều học trò đã trở thành chủ hoặc bếp trưởng các nhà hàng lớn nhỏ trong và ngoài nước.
 
Hiện nay, nghề đầu bếp thu hút nhiều bạn trẻ bởi những cơ hội nghề nghiệp rộng mở và nguồn thu nhập đáng mơ ước. Khởi điểm của nghề này bao giờ cũng bắt đầu từ nghề phụ bếp. Sau khi tay nghề đã thực sự vững vàng, người thợ mới được cất nhắc lên vị trí bếp trưởng. Một đầu bếp chuyên nghiệp làm việc tại các nhà hàng cao cấp có mức thu nhập lên đến hàng ngàn đô la Mỹ. Riêng tại TP Cần Thơ, tùy theo vị trí của người đầu bếp, mức thu nhập dao động bình quân từ 12-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, áp lực của người đầu bếp khá lớn, không phải ai cũng có thể vượt qua. Nghề này đòi hỏi người đầu bếp phải có khả năng làm việc với cường độ cao, tinh thần học hỏi và khả năng chịu áp lực tốt. Bên cạnh đó, người đầu bếp còn cần trang bị kiến thức văn hóa ẩm thực, tinh tế trong cách thức phục vụ và am hiểu thực khách.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề bếp, hiện nay có rất nhiều trung tâm đào tạo nghề đầu bếp cho bạn trẻ chọn lựa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực đều khẳng định tầm quan trọng của việc học nghề, lấy chứng chỉ và bằng cấp để có nền tảng lý thuyết và hành nghề đầu bếp hợp pháp.
 
Hơn 30 năm gắn bó cùng nghề bếp với nhiều kỷ niệm trong nghề, ông Long nhắn nhủ với giới trẻ rằng: “Để mỗi món ăn khi đến với thực khách được hoàn hảo nhất, người đầu bếp luôn cần có sự kiên nhẫn, khéo léo; không ngừng tìm tòi kiến thức, nâng cao tay nghề và kỹ thuật chế biến… Điều cần gìn giữ nhất đối với người đầu bếp chính là cái tâm với nghề. Đến với nghề bằng cái tài, hành nghề bằng cái tâm thì sẽ có cái tầm để vươn xa trong ngành ẩm thực”.
 
Bài, ảnh: Hồng Vân - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu