Chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được nhận nhiều ưu đãi về tiền sử dụng đất và thuê đất (Nguồn: Internet).
Trước đây, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại III trở lên, phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó lại quy định cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà, hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Do vậy thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập, bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền, trong khi các địa phương lại không sử dụng khoản tiền này để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định, dẫn tới tình trạng thiếu nhà ở xã hội trầm trọng.
Do đó, tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP ban hành quy định rất cụ thể về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Theo đó, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III, phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để xây dựng nhà ở xã hội.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại II và loại III, chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20%, nhưng có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp, UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã lựa chọn chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội, dự án đó bị thu hồi theo quy định của pháp luật để giao chủ đầu tư khác, chủ đầu tư dự án mới cũng phải có trách nhiệm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch nhằm bố trí bổ sung quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội.
Trong trường hợp Nhà nước sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước.
Khi chủ đầu tư bàn giao quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với quỹ đất 20% này (nếu có), sẽ được trừ vào nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) chủ đầu tư phải nộp của dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đó...
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng quy định chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí, góp phần giảm giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành sau đầu tư.
Chủ đầu tư các dự án bất động sản nhà ở xã hội cũng sẽ được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê mức hỗ trợ sẽ là toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Trường hợp chủ đầu tư hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì UBND cấp tỉnh sẽ phải hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
Ngoài các quy định khuyến khích chủ đầu tư bất động sản dành nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội nói trên, Nghị định 49/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội của các tổ chức tín dụng với chủ đầu tư bất động sản.
Khánh An - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)