Thứ hai, 19/08/2019,07:38 (GMT+7)
Ngọt lành với dừa nước
Dừa nước là món ăn dân dã, dễ ăn, lạ miệng. Ngày xưa, đây chỉ là món ăn vặt, ăn chơi ở vùng nông thôn. Ngày nay, tuy không phải là đặc sản nhưng cũng “đắt như tôm tươi” và có giá đến vài chục ngàn đồng một ký cơm dừa.

Tuy là món ăn dân dã, không thật sự đặc sắc như các loại trái cây khác nhưng dừa có sức hút riêng, nét thú vị riêng nên không ít người ưa chuộng. Với phần thịt trắng đục, chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái cho vào miệng, chúng như muốn tan ra, ngọt thanh tao, hòa quyện cùng hương thơm nhàn nhạt trên chóp mũi. Chị Phương Chi ngụ Phường 2 (TP. Sóc Trăng) tâm tình: “Gia đình tôi cũng hay ăn dừa nước, thỉnh thoảng đi chợ gặp người ta bán thì mua về, lâu lâu ăn một lần cũng lạ miệng, vừa dẻo, vừa ngọt”.

Lấy cơm dừa nước tại vựa. Ảnh: DNT

Hiện tại, không khó bắt gặp người bán cơm dừa nước quanh các chợ trên địa bàn TP. Sóc Trăng nhưng đó chỉ là nhỏ lẻ, còn nơi “tập kết” dừa nước lại chủ yếu nằm ở các vựa dọc theo đường Phạm Hùng, Phường 8 (TP. Sóc Trăng). Theo đó, các vựa này chủ yếu thu mua dừa nước nguyên quầy từ tỉnh Trà Vinh vì ở tỉnh ta dừa nước ngày càng ít đi. Ông Nguyễn Thanh Bình ngụ Phường 7 (TP. Sóc Trăng) thở dài thấy tiếc: “Có lẽ, do những năm sau này diện tích dừa nước ngày càng bị thu hẹp lại nên cái thứ ăn chơi ngày nào giờ cũng đắt như tôm tươi. Chắc vài năm nữa cơm dừa nước sẽ thành đặc sản”.

Dừa nước sau khi chuyển về vựa, trái dừa được chặt ra khỏi quầy, chẻ đôi trái lấy cơm dừa ra. Giá mỗi ký cơm dừa được bán khoảng 50.000 đồng. Tại các vựa này, mỗi ngày bán đến vài trăm ký cơm dừa. “Gia đình mỗi ngày bán vài trăm ký cơm dừa là thường, chủ yếu là mối quen lấy số lượng nhiều về bán lại. Khách vãng lai cũng mua nhiều nhưng mỗi người mua số lượng ít. Tôi bán dừa nước này quanh năm” - chị N.T.H, một chủ vựa dừa nước trên đường Phạm Hùng chia sẻ.

Về chế biến cơm dừa nước thì có nhiều cách, thông thường nhất là sau khi mua về cho vào ly, cho thêm đường cát, nước đá đập nhỏ vào, thế là đã có món cơm dừa lạnh ngon lành, vừa ngọt, vừa thơm, béo. Hoặc ăn “thô” không cho đường, đá vào để được thưởng thức trọn vẹn cái hương vị đặc trưng của dừa nước. Cũng có người biến tấu thành dừa nước ngào đường hay chế biến thành các món khác nhau tùy vào sở thích để thưởng thức.

Thạc sĩ Tiền Văn Triệu - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Gọi là dừa nước vì cây cũng cho buồng trái giống như dừa nhà nhưng mọc dưới nước nên gọi là thế cho dễ phân biệt. Ngày trước, dừa nước ngoài làm món ăn còn có nhiều tác dụng trong đời sống như lá dừa nước dùng lợp nhà, đọt lá dừa non thì gói bánh dừa, hay bập dừa, tức là phần thân phía dưới bị đốn, chẻ ra, lấy lớp vỏ bên ngoài làm lạt dừa phục vụ cho đồng áng, lạt còn dùng để bó củi, làm dây lợp nhà, thóc nóc rất đẹp, lại bền nữa. Riêng cơm dừa nước là món ăn chứa đựng nhiều hương vị của sông nước miền quê, kết thành quả từ sự chắt chiu ngọt ngào của đất mẹ quê hương. Cơm dừa sau khi lấy ra, chẻ đôi, nhìn phía nhân trắng tươi, trong vắt, đưa lên mũi ngửi thì không sao kiềm được lòng mình. Rồi khi ăn, cơm dừa dai dai, bùi bùi, béo béo nơi đầu lưỡi, thật không biết ngán. Bây giờ, dừa nước ngày càng ít đi, có chăng ở vùng quê vẫn còn. Vì người ta phá dừa nước đi nhiều”.

DNT - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu