Chủ nhật, 24/12/2023,07:07 (GMT+7)
Người cha của 140 đứa con
"Tôi còn sống ngày nào sẽ gắng sức lo cho các con. Sau này tôi có mất đi, tôi hy vọng mấy cháu trưởng thành sẽ thay tôi chăm sóc các em" - ông Đinh Minh Nhật nói
 
Đã bước sang tuổi 62 và mang trong mình bệnh hiểm nghèo, điều khiến ông Nhật lo nhất không phải cái chết mà là đàn con 140 em nhỏ sẽ nương tựa vào ai nếu ông rời xa cõi trần.
 
Tình người vượt qua hủ tục
Đến thăm mái ấm Giuse ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) sẽ cảm nhận được không khí thân tình, đầm ấm như một gia đình giữa các thành viên mà ở đó các em có chung một người cha đáng kính là ông Đinh Minh Nhật. 
 
Cho dù đang phải chống chọi với căn bệnh u não quái ác, hằng ngày, ông Nhật vẫn trực tiếp làm vườn, nấu cơm, vệ sinh cá nhân và dạy học cho các em nhỏ đều đặn như 19 năm qua ông vẫn đang làm.
 
Ông Đinh Minh Nhật và đàn con đông đúc của mình tại mái ấm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Đinh Minh Nhật và đàn con đông đúc của mình tại mái ấm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Ông Nhật sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, năm 2004 ông chuyển đến xã Ia Hlốp sinh sống. Cái duyên nhận trẻ về nuôi đến với ông Nhật rất bất ngờ. Bản thân ông không gia đình và cũng chưa từng có ý định nhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng.
 
Ông Nhật kể, vào một ngày cuối tháng 10-2004, tại huyện Chư Pưh, Gia Lai có một đám tang của người Jrai, ông hiếu kỳ tiến lại xem. "Tôi thấy một bà mẹ khoảng 26 tuổi mới qua đời, lúc gia đình chuẩn bị đi chôn thì người ta bỏ đứa bé dưới đùi mẹ nó để chôn chung với mẹ. Tôi thấy rõ ràng đứa bé còn sống, đang la khóc. Nếu tôi không nghĩ ra cách để cứu cháu thì cháu sẽ bị chôn sống. Tôi liều lao đến cố gắng hết sức giật lấy đứa bé từ tay người lớn" - ông Nhật nhớ lại.
 
Ông Đinh Minh Nhật bế và cho một bé sơ sinh uống sữa
Ông Đinh Minh Nhật bế và cho một bé sơ sinh uống sữa
 
Theo phong tục của người Jrai nếu mẹ chết thì phải chôn theo con. Ông Nhật không đành lòng nhìn đứa bé vô tội bị chôn sống liền thương lượng với thân nhân rằng: "Giờ mình cắt cổ con heo cúng Giàng thay cho đứa bé được không" và họ đồng ý.
 
"Lúc đó tôi cố dồn hết tiền mua con heo 52 kg để cúng tế và được phép bế đứa bé đi. Trong đầu tôi nghĩ phải cứu đứa bé chứ chưa nghĩ đến việc nuôi lâu dài. Tối đến, tôi bế bé đi khắp nơi xin sữa nhưng không ai cho vì họ sợ bị lây bệnh truyền nhiễm. Tôi bèn mua sữa bột cho bé bú, học cách dỗ bé ngủ, thay tã, rồi dần dần bé lớn, tôi là người thân duy nhất" - ông Nhật kể.
 
Đại gia đình với 140 đứa con
Từ đó, ông Nhật bắt đầu đi "nhặt" các em nhỏ mồ côi về nuôi dưỡng, không chỉ trong tỉnh Gia Lai mà hễ nghe thấy đâu có trẻ bị bỏ rơi ông tìm đến ngay. Có em ở Khánh Hòa, có em ở Ninh Thuận, Bình Thuận…, thậm chí ông đưa cả 4 chị em mồ côi trong một gia đình về nuôi do bố mẹ đều bị ung thư qua đời.
 
Ông Nhật kể, có một lần, một cháu đi vào rừng cao su lấy mủ thì phát hiện một em bé bị bỏ rơi trong rừng, cháu liền chạy về báo cho ông. "Tôi chạy vào bế cháu thì phát hiện cháu không có hậu môn, sức khỏe rất yếu. Tôi lập tức đưa cháu xuống bệnh viện ở TP HCM chữa trị. Cháu rất tội nghiệp nhưng càng lớn càng dễ thương, cháu tên R' Ma Phong, nay sức khỏe đã ổn định" - ông nói.
 
Em Đinh Hồng Phúc, 19 tuổi, đứa bé ngày nào được ông Nhật cứu khỏi hủ tục chôn sống nay đã là một thiếu nữ xinh xắn, là sinh viên đại học. Đinh Hồng Phúc nói: "Thầy là cha là mẹ của con, thầy mang lại cho con tổ ấm, con rất thương thầy và mong thầy luôn mạnh khỏe".
 
Vốn chỉ là người lao động bình thường, chẳng có của cải đáng giá, bao nhiêu công sức, tiền bạc ông Nhật dồn vào lo ăn, lo học cho 140 đứa con không máu mủ suốt 19 năm qua. Tuy nhiên, dù có lăn lộn bao nghề đi chăng nữa thì với sức của mình ông rất khó cáng đáng được cho đàn con đông đúc.
 
"Tôi từng làm nhiều nghề như kế toán, hái cà phê thuê, dạy học…, miễn việc gì làm ra tiền tôi đều cố gắng để có tiền lo cho các con. Cũng may, biết việc làm của tôi, một số bà con hàng xóm thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ gạo, rau cho các con khôn lớn mỗi ngày" - ông Nhật kể.
 
Ngay đến chỗ ở cho 140 em nhỏ cũng là bài toán nan giải buộc ông Nhật phải chạy ngược chạy xuôi. Ông phải gia cố lại chuồng lợn, may thay được hàng xóm giúp đỡ để ông dựng nhà mới, các con ông có chỗ ở sạch sẽ và tiện nghi. Bé nào mắc bệnh hiểm nghèo, ông lại dốc hết của cải chạy chữa đến nơi đến chốn.
Không để các con thất học
 
Hiểu được công việc ý nghĩa của ông, một số tình nguyện viên đến hỗ trợ ông trực tiếp chăm sóc các bé. Trong đó, có người cháu gái Đinh Thị Thùy Trang đã gác lại hạnh phúc cá nhân, giã từ bục giảng để sát cánh cùng ông Nhật tại mái ấm.
 
Chị Đinh Thị Thùy Trang chia sẻ: Ngày trước, tôi chỉ đến hỗ trợ thầy vào cuối tuần, 3 năm nay tôi ở hẳn đây để phụ thầy chăm sóc các bé, vì thầy không còn đủ sức khỏe để chăm sóc các em sơ sinh nữa.
 
Nguồn lực hạn chế nên ông Nhật phải quản lý và cân đối tài chính. Hiện tại, mỗi tháng mái ấm cần khoảng 7 tạ gạo, chi phí thức ăn hơn 20 triệu đồng, tiền điện cũng đến 5 triệu đồng. Bữa sáng của các em chủ yếu vẫn là mì tôm, hai bữa chính thường chỉ có rau và canh, thỉnh thoảng mới có một bữa thịt. Tuy vậy, chẳng em nhỏ nào biếng ăn, than phiền mà đều ngoan ngoãn, tích cực làm vườn, chăn bò, làm việc nhà vì với các em chẳng còn nơi nào tốt hơn trong vòng tay thầy Nhật nữa.
 
Điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Nhật không để cháu nào phải nghỉ học. Hiện nay, có hơn 90 cháu đang đi học từ lớp 1 đến lớp 12; có 13 cháu đang học đại học và 17 cháu đang đi học nghề để sau này có cuộc sống, việc làm ổn định, lập gia đình như bao người bình thường. Mỗi tối, ông Nhật lại trực tiếp đứng lớp kèm cặp cho từng bé học bài. "Mỗi lần đi họp phụ huynh, thầy cô khen các con ngoan lắm, học giỏi, tôi hạnh phúc vô cùng" - ông Nhật xúc động.
 
Em Hồ Thị Ngọc Sang - 23 tuổi, đã tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ Thông tin - cho biết em được thầy nhận nuôi từ năm 13 tuổi, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn nên thầy nhận về mái ấm. Dù đã là sinh viên nhưng thầy vẫn chu cấp đầy đủ cho em ăn học.
 
Trong đàn con khổng lồ, mỗi bé một tính cách nhưng đều thiếu thốn tình cảm gia đình nên ông Nhật rất quan tâm giáo dục các bé bằng cảm xúc, lương tri. Để nay, các em đều coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, chị biết chăm sóc em, anh biết bảo vệ em, các em ngoan ngoãn, lễ phép. Đại gia đình nền nếp được hình thành từ những câu chuyện tình người mà người cha Đinh Minh Nhật dạy dỗ. 
 

Ước mong các con trở thành người tử tế

Đằng sau nụ cười hạnh phúc của người cha già là những cơn đau đầu hằng đêm do bệnh tật giày vò suốt 5 năm nay. Nhiều lúc ông Nhật như muốn gục ngã, buông xuôi tất cả để bước sang thế giới bên kia nhưng rồi ông nghĩ lại, ai sẽ lo cho các con khiến ông có động lực để sống tiếp.

Ngoài học trên lớp, mỗi tối ông Nhật lại kèm cặp các con học bài

Ngoài học trên lớp, mỗi tối ông Nhật lại kèm cặp các con học bài

Ông Nhật cho biết bệnh u não của ông được bác sĩ thông báo mổ chỉ hy vọng thành công 30% nên ông không mổ mà dành tiền nuôi các con. "Tôi nén cơn đau bằng cách không lo lắng, không ưu phiền và vui đùa với các con hằng ngày. Tôi còn sống ngày nào sẽ gắng sức lo cho các con được chu đáo nhất. Sau này tôi có mất đi, tôi hy vọng mấy cháu trưởng thành sẽ thay tôi chăm sóc các em" - ông Nhật nghẹn ngào nói.

Giống như ước mơ của bao người làm cha, làm mẹ khác, ông Nhật chỉ mong muốn các con sau này trở thành người tử tế, có thể tự lập, lao động bằng chính mồ hôi công sức và có một mái ấm gia đình thực sự. Không ít các bé ước mơ sau này sẽ tiếp tục công việc của cha tại mái ấm, chăm sóc các em nhỏ như để trả nghĩa cuộc đời như em Rahlan H' Điền, em Rơ Lan Bin...

Em Hồ Ngọc Sang đang cùng ông Nhật chăm sóc các em tại mái ấm cho biết trong tương lai, em muốn tiếp tục công việc của thầy, chăm sóc các em trong mái ấm đến khi trưởng thành. Em mong thầy phải sống thật lâu để chứng kiến các con viết tiếp câu chuyện này.

 
HY NHÂN (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu