Một số trang trại, gia trại chăn nuôi ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình những ngày gần đây đã giảm giá lợn hơi từ 95 nghìn đồng/kg xuống 87 đến 90 nghìn đồng/kg; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, doanh nghiệp có trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đã giảm giá lợn hơi, từ 75 nghìn đồng/kg xuống còn 70 nghìn đồng/kg. Công ty CP Nam Sơn, đơn vị cung cấp thức ăn và tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn cũng giảm giá thu mua xuống còn hơn 70 nghìn đồng/kg lợn hơi.
Giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh giảm so thời điểm 31-3 trở về trước, trung bình khoảng 10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn trên thị trường hầu như chưa giảm tướng xứng, vẫn ở mức từ 130 - 160 nghìn đồng/kg tùy loại, làm cho đời sống người dân thêm khó khăn trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19. Tại chợ Thái - chợ lớn nhất ở TP Thái Nguyên, chợ Hương Sơn ở huyện lỵ Phú Bình và nhiều chợ dân sinh khác, giá thịt lợn tuy có giảm, nhưng những ngày gần đây, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt ba chỉ với giá 140 nghìn đồng/kg.
Tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Thái cho biết, vẫn phải mua lợn móc hàm với giá 100 đến 105 nghìn đồng/kg nên khi bán lẻ không thể giảm giá được. Anh Nguyễn Văn Luận, chủ gia trại lợn ở xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn cho biết, gia đình anh trước đây thường xuyên nuôi khoảng 200 con lợn thịt, nay giảm còn một nửa. Lượng lợn tại hầu hết các gia trại trên địa bàn xã chưa dồi dào như trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Dù giá lợn hơi có giảm so thời điểm trước đây, nhưng các gia trại vẫn bán mức 87 đến 90 nghìn đồng/kg.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp chăn nuôi và trang trại, gia trại trên địa đã hạ giá bán lợn hơi, nhưng sau khi bán buôn ra khỏi cổng đến các khâu trung gian như cơ sở giết mổ, vận chuyển, phân phối, mỗi khâu đều tăng nên thịt lợn đến người tiêu dùng vẫn ở mức cao, không như kỳ vọng của xã hội.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Dịch tả lợn châu Phi làm tỉnh Thái Nguyên thiệt hại rất lớn, tổng số lợn bị tiêu hủy là hơn 158 nghìn con (chiếm hơn 20% tổng đàn) với trọng lượng hơn 9.000 tấn. Để khôi phục chăn nuôi, ngay sau khi công bố hết dịch vào tháng 2-2020, tỉnh đã chi trả hỗ trợ nhân dân có lợn bị tiêu hủy với tổng số tiền gần 266 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, mới có khoảng 50% số hộ tái đàn, quy mô chăn nuôi chỉ chiếm 40 - 50% và tổng đàn mới bằng 75% so trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tái đàn chậm là do thiếu nguồn lợn giống, giá lợn giống ở mức cao, từ 1,8 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/con; người dân lo ngại dịch bệnh quay trở lại, chăn nuôi lợn giờ đây có nhiều rủi ro, hiệu quả không cao nên chuyển sang các loại vật nuôi khác.
Khắc phục những bất cập nêu trên, đưa thịt lợn về mức giá hợp lý, cải thiện đời sống nhân dân, người chăn nuôi mong muốn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tăng cường giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tăng cường cung ứng giống lợn, đáp ứng nhu cầu, giảm giá lợn giống. Các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi liên kết; khôi phục hoạt động và tăng lượng lợn giết mổ của các cơ sở giết mổ tập trung mà tỉnh đã đầu tư nhằm hình thành chuỗi cung ứng, hạn chế thấp nhất tình trạng tăng giá lợn qua các khâu trung gian, đưa giá thịt lợn trên thị trường về mức hợp lý.
* Theo các địa phương chăn nuôi lợn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng tại các gia trại, trang trại lớn đã giảm từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn dao động ở mức 70 đến 78 nghìn đồng/kg lợn hơi tùy loại.
Một trang trại chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, dù giá lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đã giảm, song giá thịt lợn thương phẩm bán lẻ tại các chợ vẫn ở mức cao. Cụ thể, thịt ba chỉ giá từ 160 đến 170 nghìn đồng/kg; xương sườn 130 đến 150 nghìn đồng/kg; thịt vai 140 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, các cửa hàng bán thịt lợn sạch giá còn cao hơn, thịt ba chỉ 180 nghìn đồng/kg; xương sườn 190 nghìn đồng/kg; thịt vai 180 nghìn đồng/kg.
Nguyên nhân của việc giá thịt lợn vẫn cao là do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn bị tiêu hủy nhiều, dẫn đến việc tái đàn chậm, sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Mới đây, 130/130 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Vĩnh Phúc mới được công bố hết dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu thịt lợn bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt, tỉnh chưa đón nhận được hàng hóa để cung cấp ra thị trường, người dân chủ yếu vẫn mua hàng ở nguồn cung ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận cung ứng.