Loay hoay với khoản nợ
Anh Lê Đông Anh (quê Khánh Hòa, ở trọ tại phường An Lạc, quận Bình Tân) là kế toán của một đơn vị kinh doanh dịch vụ khách sạn; còn vợ bán hàng online. Hai vợ chồng có tổng thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng, nên khi dành dụm được 500 triệu đồng đã mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua một căn hộ có diện tích 58m2 tại quận Bình Tân, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Mỗi tháng, cả tiền gốc và lãi, anh Anh phải trả cho ngân hàng hơn 10 triệu đồng. Trong mùa dịch, ngành dịch vụ khách sạn bị thiệt hại nặng nề, chủ doanh nghiệp trả lương cho anh Anh với mức tối thiểu; còn vợ anh thì không còn bán hàng qua mạng được nữa. Mỗi khi nghĩ về việc xoay xở trả nợ ngân hàng kéo dài 15 năm, hai vợ chồng đều lo lắng.
Vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Lan (ngụ phường 15 quận Gò Vấp) cũng gặp tình cảnh tương tự. Chị Lan là giáo viên tại một trung tâm dạy ngoại ngữ; còn chồng làm ở công ty xây dựng, tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chừng 30 triệu đồng. Sau nhiều năm tiết kiệm hai vợ chồng đã mua được căn hộ tại chung cư Osimi Tower (quận Gò Vấp). Căn hộ giá 2 tỷ đồng, trong khi số tiền dành dụm mới được 1,2 tỷ đồng, nên phải vay trả góp ngân hàng số tiền còn lại, thời gian trả 15 năm. Số tiền trả góp ngân hàng năm thứ hai là gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi dịch bùng phát, việc dạy ngoại ngữ ở trung tâm của chị Lan bị nghỉ ngang, còn chồng chị bị thất nghiệp tạm thời. Nói về tác động của dịch Covid-19, chị Lan rầu rĩ than: “Từ sau tết đến nay, gia đình tôi rất khốn khổ vì không có nguồn thu nhập. Nếu dịch kéo dài vài tháng nữa, chúng tôi sẽ không biết lấy tiền ở đâu để trả nợ ngân hàng định kỳ hàng tháng”.
Tiếp sức bằng giãn nợ, khoanh nợ
Hai tình cảnh nói trên không phải là những trường hợp cá biệt. Nhiều người vay vốn ngân hàng mua căn hộ chung cư ở TPHCM đang lao đao trong việc xoay xở trả nợ ngân hàng khi bị mất việc hoặc giảm thu nhập do dịch Covid-19. Nhiều người đã vay tiền mua căn hộ đang rất mong ngân hàng cùng với các chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà trả góp.
Ghi nhận trên địa bàn TPHCM cho thấy, một số ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi, giảm lãi suất, nhưng chủ yếu cho doanh nghiệp và một số khách hàng cá nhân thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; còn đối với khách hàng vay mua nhà thì chưa có chính sách. Có ý kiến cho rằng ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, các ngân hàng cũng nên có chính sách hỗ trợ những người đã vay vốn mua căn hộ đang gặp khó do làm trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong tình hình hiện nay, những người vay tiền mua nhà đang bị giảm thu nhập đáng kể trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định. Nếu kinh tế suy giảm kéo dài sẽ xảy ra tình trạng gia tăng nợ xấu, và như vậy, các ngân hàng có thể siết nợ với các khoản vay. Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.
Đức Trung - (sggp.org.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)