Thứ ba, 02/06/2020,16:11 (GMT+7)
Nguy cơ nhồi máu cơ tim do thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch có mối liên hệ với nhau. Các chuyên gia tim mạch cho biết, nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước phát triển. Những năm gần đây ở Việt Nam, số ca nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng tăng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
 
Dù cấm hút thuốc lá, nhưng vẫn có nhiều người thản nhiên hút thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.
Dù cấm hút thuốc lá, nhưng vẫn có nhiều người thản nhiên hút thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.
 
Người có yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ gia tăng nhồi máu cơ tim rất cao. Trong đó cần lưu ý đến tình trạng béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, người có lối sống ít vận động và tập thể dục, ăn nhiều chất béo, uống rượu, hút thuốc lá, thường xuyên bị stress.
 
Ông N.T.P. (65 tuổi, TP Hồ Chí Minh) khi đang tập thể dục thì có triệu chứng đau ngực trái đột ngột dữ dội, lan lên cổ và xuống cánh tay bên trái, cảm giác khó thở. Ngay lập tức, ông đến bệnh viện cấp cứu và chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
 
Ông được chuyển đến phòng can thiệp, được tiến hành chụp và can thiệp động mạch vành với tình trạng nhánh liên thất trước động mạch vành trái tắc hoàn toàn 100%; đoạn giữa động mạch vành phải bị hẹp 60%, các bác sĩ đã tiến hành nong nhánh động mạch thủ phạm tắc hoàn toàn và đặt stent cho người bệnh.
 
Chỉ 30 phút sau khi ngừng tim, ông được can thiệp mạch vành với phương pháp vô cảm là gây tê tại chỗ, người bệnh nhanh chóng hồi phục sau can thiệp, tỉnh táo, không có biến chứng, hết đau ngực, hết khó thở ngay sau can thiệp.
 
Qua tìm hiểu, ông P. có thói quen tập thể dục đều đặn, tuy nhiên có rất nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu và đặc biệt có thói quen hút thuốc lá liên tục trong 40 năm (1 gói/ngày). Với nhiều nguy cơ như vậy nhưng ông lại không theo dõi sức khỏe thường xuyên và không đi khám sức khỏe định kỳ, điều này cực kỳ nguy hiểm vì dễ xảy ra các biến chứng liên quan đến tim mạch.
 
Theo Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, thời gian qua các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp của BV can thiệp thành công nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Trong đó, cứu sống ông N.V.V. (64 tuổi, Hậu Giang) cùng lúc bị 2 bệnh lý cấp cứu rất nặng là xuất huyết tiêu hóa dưới và nhồi máu cơ tim cấp.
 
Ông V. nhập viện vì lý do tiêu máu đỏ bầm 2 lần trong một ngày; tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, có cơn đau thắt ngực khi gắng sức nhưng không khám và điều trị.
 
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Đức- Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, khi phát hiện những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, nên đến bệnh viện sớm nhất có thể để có những xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
 
Để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim, chúng ta cần thường xuyên theo dõi cân nặng, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu bia; tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên, trung bình 30 phút/ngày; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa; kiểm soát cholesterol máu; thường xuyên khám tầm soát các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp và thực hiện lối sống điều độ, tránh căng thẳng thần kinh…
 
Bài, ảnh: MAI ANH - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu