Thứ sáu, 16/08/2019,10:45 (GMT+7)
Nhân rộng mô hình trồng rau an toàn
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn cho người dân, Hội Nông dân xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, đã thành lập Tổ hội trồng rau màu ấp 7. Hơn 3 năm hoạt động, đến nay, đơn vị cung ứng ra thị trường một lượng lớn rau an toàn.

Ông Quang luôn tuân thủ quy trình chăm sóc rau an toàn. 

Ông Trần Phước Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trị A, nói: “Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Xuất phát từ đó, chúng tôi đã vận động hội viên tham gia tổ hội trồng rau màu để giúp người dân có được nguồn thực phẩm an toàn”.

Tham gia vào Tổ hội, các thành viên phải thực hiện tốt các tiêu chí sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rau ăn lá các loại, nhưng vài năm gần đây, gia đình ông Phan Văn Quang, Tổ trưởng Tổ hội trồng rau màu ấp 7, mới chú trọng nhiều đến sản xuất rau theo tiêu chí rau an toàn.

“Trước kia, trồng rau theo phương thức truyền thống, muốn rau mau tốt thì bón phân, hễ có bệnh thì tìm mua thuốc xịt. Tham gia Tổ hội, được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật trồng rau giảm chi phí, đảm bảo an toàn cho người dùng nên giờ đây chúng tôi luôn nắm rõ và tuân thủ các nguyên tắc sản xuất rau an toàn”, ông Quang bộc bạch.

Hiện gia đình ông Quang đang chăm sóc khoảng 1.000m2 rau ăn lá các loại như: cải xanh, cải ngọt, rau muống… Để đảm bảo sức khỏe người dùng, hộ ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu/bệnh cho rau.

“Bón phân, xịt thuốc cho rau phải đúng thời điểm, có thời gian cách ly theo khuyến cáo. Rau, đất trồng, nước tưới cũng được ngành chức năng tới lấy mẫu kiểm định thường xuyên nên sản phẩm làm ra luôn đáp ứng các tiêu chí an toàn cho sức khỏe người dùng”, ông Quang cho biết thêm.

Hiện nay, Tổ hội trồng rau màu ấp 7 có 12 thành viên, tăng 5 thành viên so với lúc mới thành lập. Đơn vị có hơn 1ha trồng rau các loại, bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn rau. Nhờ quá trình sản xuất rau luôn đảm bảo an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên đầu ra luôn ổn định.

Năm 2018, Tổ hội được Phòng Kinh tế thị xã hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhà lưới trồng rau cho 1 thành viên. Qua thời gian thử nghiệm, hiệu quả mang lại từ mô hình trồng rau trong nhà lưới rất khả quan.

Ông Quang chia sẻ: “Trồng rau trong nhà lưới hiệu quả cao hơn trồng ngoài môi trường tự nhiên. Rau ít sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc, giảm chi phí cho nông dân, đồng thời năng suất, chất lượng rau cũng tốt hơn”.

Theo Hội Nông dân xã Long Trị A, nhằm giúp hội viên phát triển loại hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, Hội đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho 6 thành viên Tổ hội. Trung bình, mỗi hộ xây dựng nhà lưới có diện tích 500m2.

Đầu năm đến nay, Hội Nông dân xã này tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho nông dân, trong đó tập trung định hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm.

“Vừa rồi, Hội phối hợp tổ chức dạy nghề cho 25 hộ dân về kỹ thuật trồng rau theo phương thức an toàn. Vận động được 1 dự án hỗ trợ cây giống với 80 hội viên, nông dân chuyển đổi vườn kém hiệu quả sang trồng xoài cát chu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, còn tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi lươn, trồng dưa…”, ông Trần Phước Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trị A, cho biết thêm.

Vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay luôn nóng, đang được người tiêu dùng quan tâm. Do vậy, để người tiêu dùng an tâm tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra thì việc định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững, giúp nông dân an tâm sản xuất…

Bài, ảnh: MỸ AN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu