Thứ sáu, 12/08/2022,07:41 (GMT+7)
Nhân viên y tế ở Bạc Liêu có giai đoạn 2 - 3 tháng không có lương
Nhân viên y tế ở Bạc Liêu có giai đoạn 2 - 3 tháng không có lương
 
Chiều 11/8, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, công chức, viên chức y tế trên địa bàn tỉnh. 
 
Có giai đoạn nhân viên y tế 2 - 3 tháng không có lương
Tại buổi gặp gỡ, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, hơn 2 năm qua, nhất là từ tháng 4/2021 đến nay, khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã trải qua một cuộc chiến đặc biệt, chưa từng có tiền lệ với diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, khó lường.
 
Nhân viên y tế ở Bạc Liêu có giai đoạn 2 - 3 tháng không có lương - 1
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu gặp gỡ đối thoại với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.
 
Trong muôn vàn khó khăn, thử thách, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, ngành Y tế cùng với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
 
Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện ngành Y tế tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc như cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị hạn chế, chế độ đãi ngộ, chính sách về lương, phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên nghỉ việc ngày càng gia tăng.
 
Công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong khi ngành Y tế không có cán bộ đủ năng lực thực hiện. Từ đó dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công đã được giao những năm gần đây không đảm bảo tiến độ.
 
Bác sĩ Ngô Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bạc Liêu cho biết, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ thì các quy định về quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa còn nhiều bất cập, chưa phù hợp tình hình dẫn đến nhiều đơn vị chưa được cơ quan BHXH chấp nhận thanh toán do vượt mức thanh toán những năm trước.
 
Nhân viên y tế ở Bạc Liêu có giai đoạn 2 - 3 tháng không có lương - 2
Bác sĩ Ngô Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bạc Liêu.
 
Theo bác sĩ Phượng, từ 2018 đến nay BHXH vẫn chưa chấp nhận thanh toán phần kinh phí vượt tổng mức đối với Trung tâm Y tế TP Bạc Liêu với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
 
“Phần tiền này chúng tôi sử dụng tất cả cho người bệnh. Đến giai đoạn hiện nay trung tâm y tế nợ thuốc của nhiều đơn vị với số tiền khoảng 7,5 tỷ đồng.
 
Nếu không được giải quyết phần kinh phí này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh. Nếu không có tiền trả tiền thuốc thì Trung tâm không có thuốc để phục vụ khám chữa bệnh, không có tiền trả cho nhân viên thuộc khối điều trị. Thậm chí, từ năm 2018 đến nay có giai đoạn nhân viên y tế chúng tôi 2 - 3 tháng không có lương”, bác sĩ Phượng thông tin.
 
Từ khó khăn trên, bác sĩ Phượng mong lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế có biện pháp can thiệt để BHXH giải quyết các bất cập trên để các đơn vị có kinh phí trả tiền nợ thuốc, lương nhân viên y tế kịp thời.
 
Kiến nghị giao việc đấu thầu cho đơn vị chuyên trách
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu cho biết, trong thời gian chống dịch, lực lượng y tế đã cống hiến hết sức để bảo vệ sức khoẻ người dân.
 
Tuy nhiên, hiện nay tâm lý lo lắng đang xảy ra trong tâm lý ngành Y tế sau khi xảy ra các vụ việc tiêu cực trong phòng, chống dịch bệnh và các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung khi đang thực hiện nhiệm vụ.
 
Nhân viên y tế ở Bạc Liêu có giai đoạn 2 - 3 tháng không có lương - 3
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc CDC Bạc Liêu.
 
“Cán bộ ngành Y tế, cán bộ CDC, nhất là cán bộ phụ trách công tác mua sắm trang thiết bị y tế hiện đang có tâm lý lo lắng không dám làm. Họ ngại sai vì chưa nắm hết các vấn đề của đấu thầu, sợ giải trình. Bên cạnh đó, các nhà thầu đang không mặn mà. Chúng tôi làm gói thầu 34 món, đăng lên cổng 2 - 3 lần được 2 nhà thầu cung cấp 2 món”, bác sĩ Trần Thanh Tùng thông tin.
 
Cũng theo bác sĩ Tùng, các sai phạm trong ngành xảy ra ở một số đơn vị, không phải là đại diện cho cả ngành Y tế. Tuy nhiên, cái nhìn của dư luận xã hội từng lúc, từng nơi rất "tiêu cực" với ngành Y tế, làm cho nhân viên y tế rất hoang mang, chán nản.
 
“Việc đấu thầu cung ứng thuốc nếu được thì nên đề nghị giao cho một đơn vị chuyên trách”, bác sĩ Trần Thanh Tùng kiến nghị.
 
Tại buổi gặp gỡ, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu thay mặt lãnh đạo tỉnh ghi nhận, chia sẻ khó khăn của ngành Y tế và đề nghị các cán bộ y tế tiếp tục phát huy để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao.
Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu đề nghị các cấp, các ngành nhanh chóng có biện pháp tham mưu để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhanh chóng giải quyết các khó khăn vướng mắc của ngành Y tế. Những khó khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, tỉnh sẽ giải quyết còn thuộc thẩm quyền Trung ương thì tỉnh sẽ kiến nghị lên. 
Ông Lữ Văn Hùng cũng lưu ý ngành Y tế không để thiếu thuốc, không để vaccine phòng COVID-19 hết hạn. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các huyện, thị, thành phố quan tâm nhiều hơn nữa để ngành Y chăm lo sức khoẻ cho người dân. 
THANH TIẾN (vtc.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu