Nhật Bản phá vỡ kỷ lục thế giới về tốc độ truyền dữ liệu
Công nghệ mới do các kỹ sư Nhật Bản phát triển đã vượt qua kỷ lục tốc độ truyền dữ liệu trước đó. Trên đường cáp quang dài hơn 3.000 km, nhóm đã đạt tốc độ truyền dữ liệu 319 terabits/giây (Tb/giây).
Ảnh: Unsplash.
Không chỉ phá vỡ kỷ lục trước đó của chính mình là 178 Tb/giây, công nghệ này còn tương thích với cơ sở hạ tầng hiện có, có nghĩa là nó có thể được nâng cấp tương đối dễ dàng.
Kỷ lục mới do nhóm các nhà khoa học và kỹ sư do nhà vật lý Benjamin Puttnam thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) thiết lập, và được xây dựng dựa trên công việc trước đó mà NICT đã tham gia, đạt tốc độ 172 Tb/giây, được công bố năm ngoái.
Lần trước, nhóm nghiên cứu đã sử dụng sợi quang ba lõi được ghép nối, một công nghệ truyền dữ liệu dọc theo ba ống sợi quang thay vì một ống như tiêu chuẩn hiện nay, nhằm giảm sự biến dạng tín hiệu trong khoảng cách xa. Tốc độ 319 terabit sử dụng công nghệ tương tự, nhưng với bốn lõi.
Dữ liệu được truyền bằng công nghệ gọi là kênh phân chia theo bước sóng. Nó được chiếu từ một tia laser chia tín hiệu thành 552 kênh và truyền xuống bốn lõi sợi quang.
Nhìn chung, tốc độ dữ liệu trung bình trên mỗi kênh là khoảng 145 gigabit mỗi giây cho mỗi lõi và khoảng 580 gigabit mỗi giây cho cả bốn lõi kết hợp
Tốc độ 319 terabit được thiết lập kỷ lục đã đạt được ở 552 kênh bước sóng tối đa.
Nhóm có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu trên hệ thống truyền dữ liệu đường dài của mình, để cố gắng vừa tăng dung lượng truyền vừa mở rộng phạm vi truyền.
Bài báo của nhóm đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế về Truyền thông cáp quang vào tháng 6 vừa qua.