Ngày 26-11, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình tập huấn khu vực miền Trung về xử lý biến chứng hô hấp và các vấn đề hậu COVID-19.
Chương trình có sự tham dự của PGS-TS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cùng các PGS, TS, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Tham gia buổi tập huấn, các y - bác sĩ, thầy thuốc trẻ đã được tiếp thu 6 chuyên đề tổng quan về COVID-19 và các hậu quả để lại; các biến chứng hô hấp trong thời kỳ hậu COVID-19, cũng như các bệnh lý tim mạch, chức năng tuyến giáp hậu COVID-19, Mis-C ở trẻ em…
Các bác sĩ trao đổi về những triệu chứng hậu COVID-19 cũng như phương pháp điều trị.
Qua đó, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận tình hình thực tế ở địa phương cũng như những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện chuyên môn để cùng nhau đưa ra giải pháp áp dụng triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Theo nghiên cứu, hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Trong đó, có 33%-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trình bày tại buổi tập huấn.
Những triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19 gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh lý nền. Chính vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 giúp đánh giá chức năng các cơ quan, điều trị và dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh lý và sức khỏe tâm thần kinh.