Chủ nhật, 18/10/2020,16:00 (GMT+7)
Nhiều chuyển biến trong công tác y tế trường học
Như thường lệ, đầu năm học, hai ngành y tế và giáo dục tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành công tác y tế trường học (YTTH) ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, phần lớn ở các trường học, ban giám hiệu, các thầy cô quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thể chất cho các em học sinh bên cạnh việc truyền đạt kiến thức về YTTH.
Thành viên đoàn kiểm tra đo độ chiếu sáng trong phòng học tại Trường Tiểu học Tân Thới 1, huyện Phong Điền.
 
►Vì sức khỏe học sinh
 
Học sinh từ cấp mầm non đến THPT đang ở độ tuổi phát triển hệ miễn dịch, thể chất... Hằng ngày, các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Chính vì thế, công tác YTTH những năm gần đây được các trường học quan tâm. Cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2020, Ðoàn kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra công tác YTTH tại các điểm trường ở 9 quận, huyện theo các quy định về công tác YTTH tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDÐT của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Mỗi quận, huyện, đoàn kiểm tra 1 trường tiểu học và 1 trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó tập trung vào 5 nội dung: An toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, YTTH.
 
Cô Nguyễn Ngô Phương Diễm, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Nhơn, huyện Phong Ðiền, cho biết: Ban Giám hiệu luôn quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động YTTH, nhất là khâu phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Nhà trường còn phối hợp với trạm y tế tuyên truyền phòng, chống COVID-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức khám sức khỏe cho học sinh định kỳ 2 lần/năm. Chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, máy đo thân nhiệt...; thường xuyên tổng vệ sinh lớp, đồ dùng, đồ chơi. Về an toàn thực phẩm, bếp ăn 1 chiều, mỗi bữa ăn đều có lưu mẫu thực phẩm, nhân viên bếp được kiểm tra sức khỏe định kỳ, hợp đồng với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Nhà trường phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm soát và cấm các loại hàng rong bán quanh trường không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định.
 
Ông Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết: Qua kiểm tra công tác YTTH, các trường đều có nhân viên YTTH, học sinh đều tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở vật chất ở các trường được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Vì vậy, công tác YTTH cũng thực hiện tốt hơn, góp phần phát triển thể chất, hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe của trẻ và phụ huynh, nhất là ở các trường mầm non, mẫu giáo. Ðoàn vừa kiểm tra vừa hướng dẫn các trường làm đúng các quy định.
 
Ngoài Ðoàn kiểm tra của thành phố, các quận, huyện, trung tâm y tế cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo tổ chức kiểm tra tất cả các trường trên địa bàn. Ông Lê Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, cho biết: Huyện cùng vừa kiểm tra các trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo về công tác YTTH. Ðây là hoạt động phối hợp thường niên của hai ngành. Qua đó để nắm thực tế hoạt động YTTH ở các trường, đồng thời kịp thời hướng dẫn các trường khắc phục các hạn chế.
 
►Nâng cao kỹ năng     
 
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đều phối hợp ngành giáo dục tập huấn công tác YTTH vào dịp sinh hoạt chính trị hè cho giáo viên. Nhà trường cũng phối hợp y tế địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép các dịp tập huấn chuyên môn cho giáo viên; họp phụ huynh, sinh hoạt dưới cờ cho học sinh... giúp nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe. Ở các xã, phường, thị trấn, trạm y tế là đầu mối phối hợp các trường trong công tác tuyên truyền; phòng, chống dịch bệnh; cấp cloramin B, tờ rơi tuyên truyền; tổ chức khám sức khỏe học sinh... Từ đó, công tác YTTH ngày càng đi vào nề nếp.
 
Thực tế qua kiểm tra, ở một vài trường vẫn có những hạn chế như: nhân viên bếp ăn có kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng chưa thử đàm, máu, phân; nhân viên bếp ăn còn để móng tay dài, đeo nhiều nữ trang; nhà vệ sinh dành cho học sinh thiếu xà phòng; tủ thuốc thiếu thuốc và chưa phân nhóm thuốc; thiếu giấy kiểm nghiệm nước uống và nước sử dụng...; các trường thường tận dụng vỏ xe để trang trí, làm xích đu cho trẻ chơi. Tuy nhiên, các vỏ xe không đục lỗ thoát nước nên mưa xuống, nước đọng, dễ phát sinh lăng quăng. Trong các phòng học, giáo viên tận dụng các chai nhựa đựng nước trồng trầu bà, nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi. Từ những hạn chế trên, đoàn kiểm tra yêu cầu các trường nhanh chóng khắc phục ngay các hạn chế; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác YTTH.
 
Bài, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu