Theo Sở GTVT TPHCM, thời gian qua, một số quận huyện chưa thực hiện rà soát, bố trí quỹ đất cho giao thông phù hợp với quy hoạch trong quá trình lập mới, điều chỉnh bổ sung của các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Do đó, việc tổ chức làn dành riêng, ưu tiên cho xe buýt hoạt động khó triển khai và không tạo được đồng thuận của người dân.
Thêm vào đó, vỉa hè bị lấn chiếm hoặc không có vỉa hè nên điều kiện để người dân tiếp cận, sử dụng xe buýt còn hạn chế. Việc chậm triển khai các dự án cầu vượt bộ hành, đặc biệt trên các tuyến trục quốc lộ và xa lộ Hà Nội cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của xe buýt.
Để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, yếu tố then chốt là phải đảm bảo cơ bản về hạ tầng dành cho loại phương tiện này. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM lập quy hoạch các khu đô thị mới cần phải ưu tiên bố trí hạ tầng cho giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân đối với các dự án; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các khu dân cư mới, khu đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, các khu chế xuất, khu công nghiệp và trường học.
Song song đó, từng bước hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với các giải pháp trực tiếp và gián tiếp theo đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM”.
Trạm chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thành phố chỉ đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án các tuyến metro, tuyến BRT số 1; đồng thời chỉ đạo UBND các quận huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình xây dựng bến xe buýt, xây dựng điểm đầu mối, điểm trung chuyển hành khách đã xác lập vị trí và phê duyệt dự án theo quy định. Tập trung quy hoạch mạng lưới tuyến, bến bãi, trạm dừng đồng bộ và phủ kín.
TPHCM sẽ tăng cường các chính sách, cơ chế hỗ trợ hoạt động xe buýt; chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng; điều chỉnh phương thức trợ giá phù hợp thực tế để đảm bảo hoạt động xe buýt được hiệu quả. Dành quỹ đất thực hiện các dự án xây dựng bến bãi theo hình thức đối tác công-tư (PPP); các khu đô thị mới quy hoạch, thiết kế phải đảm bảo lối tiếp cận thuận tiện cho người dân sử dụng xe buýt.
Thời gian tới, TP tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về trợ giá, xã hội hóa để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường; tập trung rà soát lập, phê duyệt quy hoạch và triển khai sử dụng đất tại các quận huyện, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng.
Dành đường cho xe buýt
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, cho biết năm 2020 tiếp tục sắp xếp mạng lưới, tuyến xe buýt phù hợp nhu cầu đi lại của người dân tại từng khu vực, từng thời điểm; tăng cường xe buýt kết nối với các khu dân cư mới, trường học, trung tâm thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp, đặc biệt là các tuyến vòng theo quốc lộ, vành đai…
Đồng thời, thực hiện mô hình quản lý và nâng cao năng lực các phương tiện vận tải để cải thiện cung ứng, tăng nhiều tiện ích cho người dân sử dụng xe buýt; xử lý nghiêm tình trạng chiếm dụng nhà chờ; kiểm soát hạn chế xe cá nhân lưu thông trên địa bàn TP.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ để phát triển vận tải hành khách công cộng. Cụ thể, hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp Công ty CP Zion và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín thí điểm dùng thẻ để thanh toán cho tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM không sử dụng tiền mặt; sử dụng phần mềm công nghệ để đi xe buýt; bản đồ điện tử…
Mới đây, Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TPHCM đồng ý đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, quận 3. Hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đang tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh đề án, trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện. Hai tuyến có làn đường ưu tiên xe buýt chạy trong giờ cao điểm sáng và chiều sẽ không cho xe cá nhân, xe gắn máy chạy trong làn đường này trong khung giờ trên.
Theo các chuyên gia về vận tải hành khách công cộng, phương án và giải pháp, cũng như các bài học kinh nghiệm về phát triển xe buýt không thiếu. Việc cần là phải có quyết sách mạnh mẽ của cấp lãnh đạo về sự phù hợp của các giải pháp, rồi từ đó áp dụng cho ngành xe buýt theo lộ trình.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, cho biết TP từng có làn đường riêng dành cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, triển khai từ năm 2003 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng Sở GTVT thực hiện. Xe buýt hoạt động tại đây rất hiệu quả. Tiếp theo thành công này, Sở GTVT triển khai mở rộng các đoạn tuyến khác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; Trần Cao Vân - quận 3; Nguyễn Kiệm - Gò Vấp… Nhưng sau đó, do làm rào chắn để thi công hệ thống thoát nước trên hàng loạt tuyến đường, nên việc dành đường ưu tiên cho xe buýt phải ngưng lại. Trước sự sụt giảm số lượng hành khách đi xe buýt liên tục vài năm gần đây, Sở GTVT đề xuất lại một số tuyến đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt như trên đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ là hợp lý.
Làn đường dành riêng cho xe buýt thực ra chỉ là giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tốc độ vận doanh, tiết giảm chi phí và thời gian đi lại cho hành khách, qua đó thu hút hành khách sử dụng phương tiện xe buýt. Sở GTVT cần chọn thử nghiệm trên các trục đường chính, có lượng khách và tần suất đi lại lớn, tuy khó nhưng hiệu quả, người dân dễ đồng tình. Trước mắt, làn ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt hoạt động vào từng khung giờ nhất định nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả làn ưu tiên hoặc dành riêng. Về lâu dài, bổ sung biện pháp chế tài các loại phương tiện khác khi không được phép nhưng vẫn lưu thông trong đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt.
|
QUỐC HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)