Những tiết lộ của ông Nawat Itsaragrisil, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế - Miss Grand International, càng khiến cho nhiều người đẹp khao khát. Thậm chí, mặc định hoa hậu là một nghề "hái ra tiền".
Hoa hậu ngồi bán khô gà
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng hoa hậu là nghề "hái ra tiền", đương kim Hoa hậu Hòa bình quốc tế nói: "Nhiều người cho rằng hoa hậu là một nghề, riêng bản thân tôi thấy hoa hậu là danh hiệu. Khi mình có danh hiệu thì sẽ đồng nghĩa mình có thêm cơ hội. Quan trọng nhất là mình sử dụng danh hiệu như thế nào".
Từ khi trở thành Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Thùy Tiên đã tham gia các hoạt động quảng bá, thiện nguyện. Cô từng đến các nước như Peru, Ecuador, Colombia, Angola... Người đẹp tạo ấn tượng với hình ảnh thân thiện, gần gũi trong các chuyến thiện nguyện, lộng lẫy kiêu sa mỗi khi bước trên sân khấu. Cô cũng tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Thái.
Nếu sự đổi đời của Thùy Tiên gắn liền với công việc thì có không ít hoa hậu khác đổi đời trong một nốt nhạc dù vẫn chưa có những công việc nổi bật. Hàng hiệu phủ kín người là những gì công chúng thấy ở bất cứ người đẹp nào vừa đoạt vương miện.
Nhưng thực tế, quan niệm này cũng bắt đầu trở nên lỗi thời. Hiện nay, danh hiệu được tìm kiếm, thậm chí được mua để kinh doanh. Thời buổi bán hàng online lên ngôi, livestream bán hàng thì việc một hoa hậu ngồi bán khô gà hay tóp mỡ không còn lạ nữa. Nghe tưởng chừng hài hước nhưng đó là thực tế.
Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 (bìa phải) cùng Á hậu 2 và Á hậu 5 livestream bán hàng cho thương hiệu khô gà của ông Nawat. (Ảnh chụp từ màn hình livestream)
Danh hiệu… để kinh doanh
Việc các hoa hậu, á hậu Hòa bình quốc tế 2022 thường xuyên livestream bán khô gà, thực phẩm kích trắng da, cà phê, mỹ phẩm trên nền tảng mạng xã hội gây ra tranh cãi dữ dội. Mới nhất, Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 Isabella Menin đã livestream cùng các á hậu người Philippines, Indonesia, Campuchia trên trang Facebook cá nhân của ông Nawat Itsaragrisil.
Các người đẹp rôm rả giới thiệu về sản phẩm, ăn thử trực tiếp ngay trên sóng. Những sản phẩm được các nàng hậu giới thiệu tại buổi livestream này đến từ thương hiệu của ông Nawat, bao gồm: khô gà, cà phê, thực phẩm kích trắng da và nước hoa. Buổi livestream đã thu hút hàng ngàn người xem trực tiếp. Trước đó, các người đẹp cũng có những buổi livestream bán đồ trang sức phong thủy, túi xách, đồ khô, sản phẩm collagen làm đẹp da…
"Hoa hậu, á hậu không chịu đi làm từ thiện, giúp ích cho xã hội mà tối ngày livestream bán khô gà", "Chọn top 10 chỉ để livestream bán hàng dạo thôi", "Mang tiếng hoa hậu, á hậu nhưng công việc chỉ là livestream bán đồ khô"… là những ý kiến của khán giả khi chứng kiến Hoa hậu Isabella Menin và các á hậu livestream giới thiệu nước hoa, cà phê, khô gà nhãn hiệu Nawat; bán vàng, quảng cáo mỹ phẩm...
Thực tế, điều này không còn lạ và có vẻ như mô hình người đẹp livestream bán hàng đang được nhân rộng vì hiệu ứng đạt được. Hoa hậu Đoàn Thiên Ân cũng thường xuyên livestream bán sâm. Nhưng may mắn là cô ở vai trò giám đốc công ty bán sâm nên cũng đỡ mang màu "chợ" hơn top 10 hoa hậu của ông Nawat.
So với những tổ chức khác như Miss Universe, Miss World, Miss Earth hay Miss International, cách vận hành của Nawat Itsaragrisil có sự khác biệt. Ông kinh doanh bằng chính thương hiệu Miss Grand, bán nhiều mặt hàng, bao gồm từ sản phẩm làm đẹp cho đến đồ ăn. Ông Nawat thường xuyên livestream bán trực tiếp. Chính vì vậy, các người đẹp thuộc tổ chức của ông cũng phải theo guồng công việc này sau khi ký hợp đồng. Những video kêu gọi mua hàng được phát công khai trên fanpage của Miss Grand Thailand.
Trước luồng dư luận trái chiều, Hoa hậu Thùy Tiên bày tỏ cô chưa từng thực hiện những buổi livestream tương tự nhưng cho biết: "Tôi nghĩ khi nào các người đẹp chỉ livestream và không làm gì cho cộng đồng thì mới đáng trách. Còn nếu các cô ấy livestream kiếm được tiền, rồi đi làm từ thiện thì không có gì đáng phải chê trách".
Những đấu tố mua bán giải ở nhiều cuộc thi hoa hậu không còn lạ. Người được chào mời thực tế là thí sinh tiềm năng và chỉ cần đi thêm một bước chi tiền nữa là có thể đội vương miện. Một người đẹp từng đoạt giải cao nhất ở một cuộc thi nhan sắc nhưng không mấy nổi bật vì cuộc thi không chuyên nghiệp trong việc truyền thông, kể: Ban tổ chức một cuộc thi nhan sắc ra giá 1 tỉ đồng cho cô để chắc chắn suất vào top 5. Khi hỏi có được danh hiệu gì không với khoản đầu tư này thì ban tổ chức cho biết chỉ là top 5, còn vương miện phải xem xét thêm. Dù không nói thì ai cũng hiểu vương miện sẽ có giá khác.
Sự thật này có thể khiến khán giả thấy bất ngờ nhưng những người trong giới thì không còn lạ gì. Chuyện mua giải không chỉ ở các sân chơi "trong nhà" mà là cả quốc tế. Đây vốn là khoản đầu tư cho hoạt động kinh doanh của mỗi người.
Một nữ doanh nhân có tiếng trong ngành sản xuất bia chia sẻ "một danh hiệu hoa hậu là đủ rồi" khi được mọi người khuyên cô đi thi tiếp. Các cơ sở kinh doanh thẩm mỹ của một doanh nhân nọ tràn ngập ảnh cô đăng quang và điều đó cũng đủ để bảo chứng cho niềm tin của nhiều người khi chọn thẩm mỹ viện của cô để "nâng cấp nhan sắc".
Chủ tịch Nawat Itsaragrisil từng nói thẳng: “Tổ chức của tôi, tiền của tôi bỏ ra, nên tôi phải là người đưa ra quyết định cuối cùng để chọn được hoa hậu có năng lực giúp tôi kiếm tiền”.
(Còn tiếp)