Thứ năm, 16/01/2020,08:12 (GMT+7)
Nhiều sinh viên đang tự cao nhưng không định vị được mình
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng tại hội thảo “Gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự” do Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức.
 Sinh viên các trường đào tạo ngành Luật tham gia dự thi trong phiên tòa giả định
 
Theo chuyên gia kinh tế này, ông được mời thỉnh giảng cho một trường ĐH lớn và cảm thấy thất vọng về thái độ của nhiều sinh viên.
 
Các doanh nghiệp đang cần chất lượng sinh viên
 
“Khi giảng viên đứng giảng bài trên lớp, sinh viên này vẫn vô tư ngồi bên dưới gác chân lên ghế, trả lời thầy cô vẫn không buồn đứng lên… Phải chăng chúng ta đang nâng họ lên quá tầm nhưng họ không định vị được họ ở đâu. Chúng ta cho các bạn ấy quyền bình đẳng, các bạn coi giáo dục là một dịch vụ vì thế mà người học cũng ngang tầm vai vế với người dạy, vì thế các bạn mới có thái độ tự cao và thiếu ý thức đến như thế?”, chuyên gia Dũng bức xúc.
 
Ông cho rằng, “với thái độ không tôn trọng thầy cô như vậy thì tôi nói thẳng là các bạn còn không có cơ hội thử việc chứ đừng nói tới cơ hội đi làm việc lâu dài. Bởi khi đi làm doanh nghiệp không chỉ cần người kiếm tiền giỏi cho họ mà còn cần sự tôn trọng cấp trên, tôn trọng môi trường làm việc…”. Theo ông Dũng, Bộ GD&ĐT nên khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp về những kiến thức, kỹ năng cơ bản tương ứng với ngành nghề và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó, trong hoạt động thực tập của sinh viên, các doanh nghiệp cần giữ thêm vai trò của giảng viên, trở thành người đánh giá kết quả quá trình thực tập của sinh viên thay vì cho nhà trường đánh giá thông qua báo cáo thực tập như hiện nay.
 
Dưới góc độ là một cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, luật sư Trương Nhật Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Luật thẳng thắn chia sẻ, khác với việc học tập trong trường Luật là sinh viên học tập các quy định của pháp luật trước rồi mới suy nghĩ những quy phạm pháp luật đó sẽ được áp dụng trong thực tiễn đời sống như thế nào, thì kỹ năng thực hành và áp dụng pháp luật đòi hỏi một quy trình ngược lại. Người thực hành pháp luật sẽ gặp tình huống cụ thể, phân tích để thấy rằng cần vận dụng quy phạm pháp luật nào. Mặt khác, khi vận dụng sẽ cần rất nhiều kiến thức pháp lý khác nhau, trong khi trường Luật thì dạy theo từng môn học riêng lẻ, điều này sẽ khó khăn cho sinh viên khi ra trường.
 
Theo ông Quang, cần có sự phối hợp giữa trường và những người làm công tác thực tiễn bên ngoài trong giảng dạy, biên soạn giáo trình. Bởi thực tế cho thấy, gần như cứ 10 năm thì hệ thống luật cơ bản sẽ thay đổi một lần, từ đó dẫn đến sự thay đổi của hàng loạt luật, nghị định. Khi luật mới ra đời, giảng viên phải nghiên cứu rồi mới viết giáo trình, chờ thẩm định rồi ra giáo trình thì luật chuẩn bị lạc hậu. Do vậy, cần có những người làm công tác thực tiễn vào giảng dạy trong nhà trường, phối hợp biên soạn giáo trình.
 
Sản phẩm đào tạo cần có giá trị và có nhân cách
 
Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động, bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng, đều đòi hỏi kiến thức thực tiễn cao hơn kiến thức lý thuyết hàn lâm. Nếu công tác giảng dạy và học tập ở nhà trường chỉ tập trung vào các giáo trình thì kiến thức mà sinh viên lĩnh hội sẽ không được cập nhật kịp thời, dẫn đến không hòa nhập kịp vào đời sống pháp lý sau khi tốt nghiệp.
 
Theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, từ nhiều năm qua, Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa thường xuyên tiếp nhận nhiều sinh viên đến từ Trường ĐH Luật TP.HCM để thực tập, kiến tập,… Từ thực tiễn tiếp nhận, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị nhà trường quan tâm hơn nữa đến kiến thức chuyên sâu cho sinh viên. “Chúng tôi đề nghị nhà trường quan tâm đến mục tiêu kết hợp đào tạo và nghiên cứu, có biện pháp sư phạm để sinh viên tăng cường tự đào tạo, chú trọng nghiên cứu”, luật sư Trương Thị Hòa nói. Luật sư Hòa cũng cho rằng, sau khi ra trường, sinh viên cạnh tranh trong môi trường lao động, từ khi bắt đầu xin việc cho đến suốt quá trình làm việc. Do đó nhà trường cần quan tâm đến “tạo sự khác biệt” của sản phẩm đào tạo, chú trọng kiến thức tổng quát, kiến thức xã hội, kiến thức đa năng cho sinh viên, những kiến thức này giúp ích rất nhiều cho việc hành nghề luật.
 
“Theo chúng tôi, đào tạo sinh viên ngành Luật là một ngành đặc thù và rất quan trọng, do vậy nhà trường cần xây dựng được văn hóa nhà trường, phát động văn hóa đọc cho sinh viên. Bên cạnh đào tạo kiến thức về luật thì nhà trường cần đẩy mạnh kiến thức văn hóa, văn học, lịch sử để sinh viên có nền tảng kiến thức toàn diện, đầu tư để tạo bản sắc, tạo sự khác biệt, hình thành phong cách cho sinh viên Luật”, luật sư Hòa nhắn nhủ.
 
PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM đồng tình các quan điểm và cho rằng, sản phẩm đào tạo cần có giá trị và có nhân cách. Bên cạnh việc có tư cách, có chuyên môn nhưng nếu chưa có lòng nhiệt thành thì cũng chưa đạt yêu cầu. “Nhà trường khẳng định sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đặt nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp lên hàng đầu nhằm cung cấp nguồn lực chất lượng cao mà xã hội cần. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn nỗ lực tạo điều kiện để sinh viên có môi trường thực tập, với mong muốn sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức thực tiễn vững chắc sau khi tốt nghiệp, trong đó đề cao việc xây dựng văn hóa nhà trường”, PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết trong thời gian tới Nhà trường sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu và tình hình mới. 
 
 THÙY TRANG - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu