Thứ sáu, 09/08/2019,08:31 (GMT+7)
Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam
Việt Nam tiếp tục theo dõi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc sau khi dừng khảo sát và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam

"Chiều 7-8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng - khẳng định như vậy tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào ngày 8-8.

Tiếp tục theo dõi

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. "Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua trao đổi, đối thoại với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia" - bà Hằng nhấn mạnh.

Về câu hỏi Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, bà Hằng nói rằng Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hòa bình.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 đã dừng khảo sát, rút khỏi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bà Hằng nói thêm: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi".

Từ khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam - Ảnh 2.

Một trong các tàu thuộc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung QuốcẢnh: Schottel

Kiên trì biện pháp hòa bình

Sự việc nghiêm trọng này luôn là nội dung được trao đổi tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Bangkok - Thái Lan. Nhiều nước thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến này. Đặc biệt, việc đại diện Việt Nam đã nêu rõ Trung Quốc là bên có hành vi gây hấn ở biển Đông khi họp với đại diện các nước ASEAN đã được giới quan sát đánh giá là đã thúc đẩy các nước bày tỏ quan điểm của mình.

Trong các cuộc họp, các cuộc gặp song phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiều lần đề cập thẳng thắn các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng cho rằng những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển; làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam, nêu rõ hai bên cần nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết thỏa đáng tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tôn trọng tự do hàng hải

Trước việc một trong những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ đi vào biển Đông trong tình hình căng thẳng hiện nay, bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông trên tinh thần luật pháp quốc tế là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong các nước đóng góp thiết thực và có trách nhiệm cho mục tiêu đó.

Trung Quốc giáo dục bằng thông tin trái sự thật

Về thông tin trên báo chí Trung Quốc nói rằng nước này sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới dành cho bậc THPT, trong đó có nội dung cho rằng các khu vực như biển Hoa Nam, tức biển Đông của Việt Nam, đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng thông tin trái sự thật lịch sử và luật quốc tế không có lợi cho quan hệ 2 nước.

Dương Ngọc - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu