Trọng tâm giai đoạn 2016-2020, toàn ngành giáo dục đã thực hiện chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp căn bản. Ðối với chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD và ÐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; hội nhập quốc tế trong GD và ÐT; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD và ÐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD và ÐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD và ÐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD và ÐT.
Ðến nay, sau 5 năm, các lĩnh vực thuộc chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu, năm nhóm giải pháp cơ bản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, khung pháp lý cho đổi mới GD và ÐT được hoàn thiện. Bộ GD và ÐT đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tháo gỡ những điểm nghẽn trong việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học; Luật Giáo dục 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng trong giáo dục… Cả nước duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, trong đó hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề thuận lợi để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) được nâng lên, được quốc tế ghi nhận là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/174 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, Niu Di-lân, Thụy Ðiển. Kết quả thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế cũng đặc biệt xuất sắc. Giai đoạn 2016-2020, Bộ GD và ÐT cử nhiều đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Ô-lim-pích các môn văn hóa với 174 lượt em dự thi và đạt những kết quả cao, với 170 giải thưởng, gồm: 54 Huy chương vàng, 68 Huy chương bạc, 40 Huy chương đồng, tám bằng khen. Kết quả qua từng năm đều có bước tiến bộ vượt bậc, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi. Năm 2020, tất cả 24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế đều đoạt giải. Trong đó, tất cả bốn thí sinh đội tuyển Hóa học đoạt Huy chương vàng, xếp thứ 2 thế giới (sau đội tuyển quốc gia Mỹ). Số Huy chương vàng mà học sinh Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2016-2020 nhiều gấp đôi giai đoạn 2011-2015.
Ðối với triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ GD và ÐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học; thẩm định, phê duyệt năm bộ sách giáo khoa lớp 1 để đưa vào sử dụng trong năm học 2020 - 2021. Ðây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp, lớp học theo hướng bảo đảm nội dung tinh gọn, giảm số môn bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn, xây dựng một số môn tích hợp. Ðồng thời, xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa phổ thông, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trong việc biên soạn sách giáo khoa mới; trao quyền tự chủ lựa chọn sách về các trường phổ thông, giúp phù hợp đặc điểm vùng, miền. Bộ GD và ÐT đã ban hành đầy đủ các chuẩn đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên. Xây dựng và triển khai lộ trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới, theo chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Ðáng chú ý, thi, kiểm tra, đánh giá được quan tâm, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Trong đó, kiểm tra đánh giá được triển khai theo hướng phát triển năng lực người học; kết hợp giữa đánh giá kết quả và đánh giá quá trình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức khách quan, công bằng và minh bạch; giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; tránh học lệch học tủ; hạn chế tối đa gian lận trong thi cử; cung cấp thông tin tin cậy phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và là một trong các căn cứ tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tự chủ trong giáo dục đại học có nhiều đột phá; phân quyền và giao quyền tự chủ cho các trường đại học được mở rộng. Các trường đã đẩy mạnh hoạt động, số lượng các chương trình mở mới tăng trong khi quy mô gia tăng hợp lý. Các chỉ số nghiên cứu, công bố quốc tế cũng tăng mạnh. Năm 2020, cả nước có 17.028 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế trong danh mục Scopus, ISI, tăng hơn năm 2019 là 4.462 bài. Trong đó, số bài báo quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học là 16.346 bài. Các trường đại học chú trọng xây dựng các nhóm nghiên cứu để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu đóng vai trò quyết định sự thành công, vị thế của các trường đại học. Các trường đại học còn chú trọng đến những sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng cao...
Có thể nói phong trào "Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học" giai đoạn 2016 - 2020 trong toàn ngành giáo dục đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong công tác giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; mỗi tập thể là nơi kiến tạo, hỗ trợ để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân. Với việc thực hiện hiệu quả phong trào "Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học" nhằm thực hiện hiệu quả chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm nhóm giải pháp đã góp phần mang lại nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.