Chủ nhật, 14/02/2021,07:29 (GMT+7)
Những tín hiệu mới của du lịch Sóc Trăng
Từ lâu Sóc Trăng là điểm đến thật sự lôi cuốn khách du lịch bởi đây là vùng đất có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như chùa Ma-ha-túp (chùa Dơi), chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, TP. Sóc Trăng; chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu), xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên… Đây là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2020, ngành du lịch chịu nhiều tác động do đại dịch Covid-19, nhưng đón mùa Xuân mới 2021, ngành Du lịch Sóc Trăng có nhiều tín hiệu mới trong khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh
Farmstay Sân Tiên ở xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch. Ảnh: CHÍ BẢO
 
Cùng với các ngôi chùa nổi tiếng, Sóc Trăng cũng được biết đến với các lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, tiêu biểu nhất chính là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc như: sân khấu rô băm, sân khấu dù kê, các điệu múa dân gian của dân tộc Khmer, dân tộc Hoa đã và đang trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Du khách còn đến Sóc Trăng khám phá và trải nghiệm các loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch về nguồn, chiêm ngưỡng các loại hình kiến trúc nghệ thuật của 3 dân tộc trong tỉnh.
 
Sóc Trăng cũng là một tỉnh ven biển nằm ở phía Nam sông Hậu, có bờ biển dài 72km với ba cửa sông lớn đổ ra biển là: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50km dọc theo bờ sông Hậu. Trên những cù lao ấy là những vườn cây trái sum suê, trĩu quả không chỉ mang lại giá trị trong sản xuất nông nghiệp mà còn là lợi thế để tỉnh Sóc Trăng phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, trải nghiệm - khám phá và du lịch cộng đồng.
 
Bên cạnh những đặc điểm chung mang đặc trưng của văn hóa cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn được xem là vùng đất của các lễ hội, thu hút khách khắp nơi về tham gia thưởng ngoạn. Có thể điểm qua một số lễ hội đặc trưng của Sóc Trăng như: Lễ hội Cúng Dừa - Thác Côn, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Đôn Ta, lễ dâng y Kathina, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông, lễ cúng Phước Biển… được tổ chức quanh năm ở các địa phương trong tỉnh, trong đó, đặc sắc nhất và được mong chờ nhất là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo được tổ chức vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội Oóc om bóc còn có ngày hội Đua ghe ngo, một môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, thu hút hàng nghìn vận động viên cả nam lẫn nữ tham gia…
 
Từng bước đa dạng loại hình du lịch
 
Ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, du lịch tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển đáng phấn khởi, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch được nâng lên; tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của tỉnh được đầu tư, khai thác hiệu quả”.
Điểm đến Homestay chợ nổi Ngã Năm thuộc cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú. Ảnh: CHÍ BẢO
 
Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai xây dựng các cụm du lịch cộng đồng trọng điểm như: du lịch gắn liền không gian văn hóa thuần chất Nam bộ dọc tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. Điển hình là điểm đến Homestay chợ nổi Ngã Năm thuộc cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú do gia đình ông Nguyễn Văn Tẩn làm chủ. Du khách được trải nghiệm làm nông dân, tham gia các hoạt động đi rẫy hái rau, chèo xuồng vớt ốc, giở lộp đổ cá, đặt trúm bắt lươn. Trải nghiệm cuộc sống đời thường vô cùng mộc mạc, chất phác của cộng đồng địa phương. Tận hưởng không khí trong lành, cảnh quan yên bình nơi thôn dã. Tìm hiểu về tổ chức thôn ấp, các ngành nghề truyền thống, ngắm cảnh quan thiên nhiên và giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với người dân. Tham gia các hoạt động trải nghiệm khám phá thiên nhiên, lịch sử qua hành trình dõi theo dấu chân cha ông đi mở cõi đất phương Nam bằng xe đạp trên Hương lộ 20. Học làm bánh truyền thống, trải nghiệm việc làm các món ăn địa phương và thưởng thức tại chỗ. Du khách tự tay thu hoạch nông sản cùng chủ hộ chất lên ghe chở ra chợ nổi bán. Tìm hiểu về sinh kế của người dân cùng trải nghiệm hoạt động thương mại địa phương kết hợp khám phá chợ nổi Ngã Năm. Ông Nguyễn Văn Tẩn cho biết: “Trong thời gian tới, gia đình sẽ mua sắm thêm một số trang thiết bị thiết yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời sẽ khai thác thêm sản phẩm mật ong từ hoa tràm, cải tạo hoa viên, mương rạch… nhằm đa dạng sản phẩm để du khách trải nghiệm”.
 
Hay đến với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam bộ, nằm trên dòng sông Hậu, thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, cồn Mỹ Phước được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nơi có khí hậu trong lành với nhiều vườn cây ăn trái, cho cây sai trái ngọt quanh năm. Du khách có thể dạo quanh cồn bằng chiếc xe đạp đơn hay đôi đều rất thú vị, khi ngắm nhìn hàng cây trái trĩu quả, thưởng thức không gian yên tĩnh với người dân hiền hòa, thật thà, chất phác. Dừng chân thưởng thức trái dừa dứa hoặc trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên chiếc phà chạy dọc theo dòng sông Hậu, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản từ dòng sông nước ngọt, vừa giao lưu đờn ca tài tử - để tìm lại nhịp đập của ông cha thời đi mở cõi đất phương Nam.
 
Du khách trải nghiệm hành trình du lịch khám phá thiên nhiên, lịch sử, thuộc các xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung. Đến đây du khách sẽ được hòa mình và khám phá thiên nhiên rừng ngập mặn với các hoạt động thú vị như: đi cầu tre xuyên rừng trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn, cho khỉ ăn, tham gia bắt ốc len, vọp, câu cua, câu cá; đi tàu ra bãi bồi tham quan bãi nghêu trên cửa biển Trần Đề, khám phá hệ sinh thái rừng bần ngập mặn với nhiều loại động, thực vật đa dạng đặc trưng của vùng giáp ranh sông - biển. Du khách còn được hướng dẫn tham quan các vườn trái cây; giao lưu đờn ca tài tử, tham gia nhóm các trò chơi vận động sông nước và thưởng thức đặc sản vùng biển trên tàu du lịch.
 
Đón mùa xuân mới cùng với những tín hiệu mới, với niềm hy vọng thời gian tới, du lịch Sóc Trăng sẽ có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá những nét đẹp văn hóa, lễ hội, loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng...
 
CHÍ BẢO - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu