Thứ ba, 16/02/2021,07:24 (GMT+7)
Những viên gạch đầu tiên
Doanh nghiệp trong trường đại học, trường đại học trong tập đoàn, doanh nghiệp… là mô hình mới được manh nha ở một số trường đại học tại TP Cần Thơ. Xuất phát từ nhu cầu tạo thuận lợi trong thực hành và thực tập cho sinh viên, mô hình này cũng bước đầu cho thấy nhiều triển vọng trong phát triển bền vững giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Sinh viên DNC thực hành tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu. 
 
Phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu, Trường Ðại học Nam Cần Thơ (DNC) đầy đủ thiết bị thực hành hiện đại phục vụ sinh viên, từ khâu xử lý nguyên liệu ban đầu, đến tiêu chuẩn hóa chức năng, công dụng của dược liệu. Trần Phương Quỳnh, sinh viên ngành Dược năm thứ tư, cho biết đang thực hiện đề tài tốt nghiệp đại học liên quan đến lá tía tô; được tham gia nghiên cứu tại viện tạo điều kiện cho Phương Quỳnh cụ thể hóa đề tài thành sản phẩm. Bên cạnh phục vụ thực hành và nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu của DNC còn sản xuất thành công 3 sản phẩm được lưu hành, đó là các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gout, hỗ trợ bảo vệ gan và nước rửa tay kháng khuẩn. 
 
Bên cạnh Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu, DNC còn thành lập 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC. Các đơn vị này sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thực hành cho sinh viên tất cả các khối ngành của trường: Y Dược, Kinh tế - Luật, Kỹ thuật - Công nghệ, Kiến trúc - Xây dựng, Môi trường... Những thành tựu bước đầu này là kết quả của quyết tâm từ thời điểm trường được thành lập năm 2013, với định hướng thành lập các doanh nghiệp trong trường đại học để tự định vị. Bởi tại thành phố có các cơ sở đào tạo đại học với thế mạnh riêng như Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ... 
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Quyền Hiệu trưởng DNC, cho biết: “Các doanh nghiệp và viện còn giúp trường chủ động trong thu hút người học và nâng cao chất lượng tuyển sinh. Ðây là một trong những khâu quan trọng nhất trong tự chủ đại học, cũng như hoạch định chiến lược phát triển bền vững”. Tại các doanh nghiệp của DNC, sinh viên năm thứ ba, thứ tư học việc và làm việc bán thời gian được trả lương; được xem xét tuyển dụng chính thức sau khi tốt nghiệp. DNC hiện có hơn 13.000 học viên, sinh viên, với khoảng 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt hơn 90%.
 
***
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Ðinh Văn Toàn, Ðại học Quốc gia Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục đại học danh tiếng thế giới như Oxford, Cambridge, London Metropolitan... đều có các doanh nghiệp bên trong hoặc liên kết. Tại Việt Nam, chủ trương hình thành và phát triển doanh nghiệp, các viện nghiên cứu trong các trường đại học nhằm tạo thuận lợi trong chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được Ðảng và Nhà nước quan tâm từ những năm 1990. Tiên phong trong công tác này là Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội, Trường Ðại học Xây dựng... Theo các chuyên gia giáo dục, tại ÐBSCL, Trường Ðại học Cần Thơ được xem là đơn vị đi đầu với thế mạnh là các viện nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đã chuyển giao hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ với Bệnh viện thuộc trường đã trở thành cơ sở khám chữa bệnh uy tín của cả vùng ÐBSCL. Việc thành lập hẳn doanh nghiệp đa ngành thuộc trường thì DNC có những bước phát triển đáng kể.
Đông đảo sinh viên tham dự Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp do Trường Đại học FPT- Phân hiệu Cần Thơ tổ chức tháng 12-2020. 
 
Thành phố còn có Trường Ðại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ, thuộc Tập đoàn FPT. Thạc sĩ Huỳnh Văn Bảy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Ðại học FPT nằm trong lòng doanh nghiệp, nên có lợi thế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nguồn tuyển sinh chất lượng”. Các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn FPT có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên của trường thực hành, thực tập; nhất là chương trình thực tập “On the job training” (ở học kỳ thứ 6 trong tổng cộng 9 học kỳ) kéo dài từ 4-8 tháng trong và ngoài nước tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn FPT. “Mới đây, trường đã có 8 sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp ở Nhật Bản”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Bảy cho biết thêm. Hiện nay Trường Ðại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ chưa có khóa tốt nghiệp, nhưng qua khảo sát của các trường thành viên thuộc Ðại học FPT, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 98% trong 3 năm gần nhất ở tất cả ngành nghề; riêng ngành Công nghệ thông tin đạt tỷ lệ gần 100%, với mức lương khởi điểm trung bình trên 11 triệu đồng/tháng.
 
Sự phát triển của mô hình doanh nghiệp trong trường học hay trường học trong doanh nghiệp ở Cần Thơ đã thúc đẩy sự đổi mới trong quản trị đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực vững tri thức, giỏi thực hành.
 
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu