Cần đột phá trong chính sách
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, muốn vận động 10% người dân còn lại tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cần một sự thay đổi đột phá trong chính sách. Chúng ta cần thay đổi cả phương thức tuyên truyền lẫn cách thức, dịch vụ của BHYT. Đồng thời, phải tạo ra sự hấp dẫn, nói cách khác là tạo ra sự hài lòng của người dân đối với BHYT. Người dân thường nhìn vào kết quả thực hiện, việc làm của Nhà nước để quyết định tham gia BHYT hay không.
Đây là nhận định được ông Lợi đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững bảo hiểm y tế toàn dân” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức.
Từ đó, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất cần tập trung vào hai giải pháp.
Thứ nhất, tuyên truyền tới người dân. Truyền thông sát để làm thay đổi nhận thức của họ, tham gia vào chính sách BHYT chính là quyền và nghĩa vụ, nhưng cũng thể hiện tính cộng đồng xã hội. Làm sao để người dân nhận thức được việc tham gia BHYT là để xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, chia sẻ.
Thứ hai, về phía Nhà nước, phải thay đổi cách thức, dịch vụ để nhận được niềm tin và sự hài lòng của người dân.
Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân có nhấn mạnh vấn đề tập trung xã hội hoá, phát triển y tế cơ sở. Y tế cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng, bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa; y tế tư nhân. Ba trụ cột này tạo thành y tế cơ sở, đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nghị quyết 68 cũng nêu rõ việc dành nguồn lực đầu tư, về cả cơ sở vật chất, trang - thiết bị và nguồn nhân lực cho y tế xã, phường, thị trấn; đặc biệt đối với miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, ở miền núi hiện nay, cần duy trì mô hình cô đỡ thôn bản bởi đây là một mô hình rất tốt, phù hợp thực tế. Ngoài ra, bác sĩ gia đình cũng là mô hình tốt trên thế giới cần tham khảo. Bên cạnh đó, trạm y tế xã, phường, thị trấn cần phải chữa trị tốt những bệnh không lây nhiễm.
Cuối cùng, ngành y tế đã xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản nhưng mới xây dựng cho tuyến xã. Cần xây dựng gói này cho tuyến tỉnh và Trung ương để tạo ra sự bình đẳng trong tiếp cận BHYT.
Truyền thông bảo hiểm y tế: “Đến tận ngõ, gõ tận nhà”
Đánh giá về vai trò của truyền thông về BHYT nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự chủ động tham gia, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật BHYT của các cơ sở y tế, nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, người dân phải nhận thức quyền được an sinh xã hội, quyền được chăm sóc sức khỏe, nhưng quyền đó phải gắn liền với nghĩa vụ. Người dân không nên dựa tất cả vào Nhà nước. Hiện nay, trong chừng mực nào đó, một bộ phận người dân vẫn nghĩ rằng được hưởng BHYT do Nhà nước lo. Điều này rõ ràng không đúng, tránh bao cấp là vấn đề đầu tiên.
Thứ nữa, người dân phải hiểu rằng, tham gia BHYT để chia sẻ để thực hiện trách nhiệm cộng đồng, không nên nghĩ rằng tham gia để được hưởng lợi. Tham gia BHYT là chia sẻ và thực hiện nghĩa vụ cho bản thân, cho xã hội, cho cộng đồng. Người dân cần phải có những chuyển biến về khái niệm chia sẻ như vậy.
Thêm vào đó, khi tham gia quỹ BHYT, người dân có nghĩa vụ giám sát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện. Thí dụ, người tham gia đến bệnh viện, được cấp thuốc không đúng, hoặc là dùng các thủ đoạn nào đó để thỏa thuận rút quỹ, trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, người dân phải có trách nhiệm giám sát. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và chính người dân phải tăng cường công tác kiểm tra - giám sát để xây dựng một cộng đồng trách nhiệm.
Ông Bùi Sỹ Lợi mong muốn, công tác truyền thông BHYT làm sao “đến tận ngõ, gõ tận nhà”. Nhiều người không hiểu tham gia BHYT có lợi thế nào. BHYT có mức đóng dưới 800 nghìn đồng/năm, nhưng người tham gia không may khi ốm, có thể chi trả đến tiền tỷ. Người nghèo, nếu không được chi trả thế này, làm sao có thể bảo đảm được cuộc sống, dễ bị kiệt quệ về kinh tế, phải bán ruộng, vườn, nhà đi để chữa bệnh. Vậy tại sao không tham gia BHYT.
“Nâng cao tinh thần trách nhiệm cho người dân với chính sức khỏe của mình và chính sức khỏe của xã hội, điều đó rất quan trọng”, ông Lợi nhấn mạnh.