Thứ ba, 03/09/2019,10:43 (GMT+7)
Nông dân từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi
Huyện Tháp Mười thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông dân đã biết liên kết nhau để tạo thành những tổ chức đại diện cho mình, thực hiện việc sản xuất thành một chuỗi từ khâu đầu vào đến đầu ra. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất đều đạt và vượt so với kế hoạch, sản xuất ngày càng đi vào khuôn khổ, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm. Nông dân cũng ngày càng chủ động hơn trong quá trình giao thương, đàm phán buôn bán sản phẩm do chính mình làm ra thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã...

Máy cấy lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười.Ảnh: Mỹ Nhân

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tháp Mười có Nghị quyết về TCCNN theo hướng quy hoạch sản xuất vùng gắn với liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 – 2020. Khi đó, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển theo hướng hiện đại và liên kết; chủ động hệ thống tưới tiêu bằng trạm bơm điện đạt 93,5%, hình thành 4 vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, biện pháp giảm giá thành, khoa học công nghệ và thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng có nhiều chuyển biến rõ nét; có các sản phẩm chủ lực như: lúa - gạo, vịt, sen, cá sặc rằn, ếch... Tuy nhiên, còn nhiều điểm nghẽn, đó là chỉ phát triển theo chiều rộng, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm, chế biến tinh và chế biến sâu; thực hiện chuỗi liên kết chưa nhiều nên sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng của môi trường sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi còn rất lớn, hoạt động của kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải kể đến đổi mới tổ chức sản xuất thông qua mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ: năm 2018 liên kết được 20.275ha, đạt 135,2% so kế hoạch, tăng 2.310ha so với cùng năm 2017. Đặc biệt, là mô hình lúa cấy bằng máy đã có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn sản xuất thông thường và có sức lan tỏa mạnh mẽ, người dân mạnh dạn áp dụng mô hình với 5.284,8ha. Việc tham gia thực hiện các mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân: biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập. 6 tháng đầu năm 2019, thực hiện liên kết sản xuất lúa được 10.222ha, đạt 59,76% so với kế hoạch năm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện có thực hiện mô hình dịch vụ tư vấn kỹ thuật trồng lúa với diện tích 21,2ha của Công ty Cẩm Nguyên theo phương thức trọn gói...

Huyện xây dựng kế hoạch sử dụng và phát triển nhãn hiệu Sen Tháp Mười, định hướng quy hoạch, hỗ trợ sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sen, tìm thị trường tiêu thụ nhằm phát triển bền vững cây sen. Diện tích sen được duy trì ổn định, 6 tháng đầu năm 2019 xuống giống 147ha. Các sản phẩm chế biến từ sen được đưa ra thị trường như: sữa sen tươi, sữa sen bột, bột hạt sen, trà lá sen, trà tim sen đang được người tiêu dùng chấp nhận. Hội Nông dân huyện đã ký hợp đồng với Tổ chức IUCN thực hiện Dự án sản xuất an toàn 1 vụ lúa – 1 vụ sen kết hợp với nuôi cá, với quy mô 22,5ha/18 hộ trồng sen tham gia; đã triển khai hợp phần sen cá kết hợp...

Tính đến tháng 6/2019, tổng đàn vịt của huyện trên 596 ngàn con. Trong đó, nuôi nhốt an toàn sinh học là 175 ngàn con, tăng 57 ngàn con so với cùng kỳ năm 2018, với 20 hộ nuôi. Sản lượng trứng vịt nuôi nhốt an toàn sinh học bình quân trên 3.150.000 trứng/tháng, giá bán bình quân 2.300 đồng/trứng. Với giá trứng này, người nuôi đã có lãi. Trứng vịt Tháp Mười tiếp tục được truy xuất nguồn gốc và được bán tại thị trường TP.Hồ Chí Minh thông qua kênh phân phối chính là Công ty Vĩnh Thành Đạt.

Tuy số lượng và sản lượng chăn nuôi ếch ngày càng tăng, có chứng nhận VietGAP nhưng việc tìm đầu ra ổn định, liên kết với công ty, doanh nghiệp tiêu thụ vẫn chưa có. Riêng Tổ ếch Đốc Binh Kiều liên kết với Metro Cần Thơ đã không được duy trì, phía đối tác thu mua tại thị trường Cần Thơ giá thấp hơn so với mua tại Tháp Mười, vì thế mối liên kết đã bị phá vỡ từ cuối năm 2018. Việc chăn nuôi phát triển tự phát, ồ ạt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hộ trồng lúa đúng qui hoạch, nước thải không được xử lý trước khi xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý về môi trường trong thời gian vừa qua. Số lượng chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển, vì thế các ngành, các cấp cần chung tay tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc về bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Ngọt – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, thực hiện TCCNN thời gian qua có sự tập trung của cả hệ thống chính trị. Thành công bước đầu rất quan trọng là nhiều người dân thấy được sự cần thiết của TCCNN, nên tích cực hưởng ứng. Các mô hình liên kết phát huy hiệu quả như: nuôi vịt an toàn sinh học, giảm giá thành sản xuất lúa, cánh đồng lý tưởng, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nuôi cá sặc rằn, nuôi ếch trong lồng bè...; chuyển đổi cây trồng ngày càng hiệu quả;... Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TCCNN để người dân ngày càng hưởng ứng mạnh hơn, khắc phục dần các khó khăn, hạn chế để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị...

Huyện Tháp Mười chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng củng cố và phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng và lợi thế cạnh tranh nhằm phục hồi và ổn định tăng trưởng nông nghiệp đến năm 2020 đạt 5.000 tỷ đồng; xây dựng và hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng cho 4 vùng sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, vịt, ếch, cá sặc rằn và cây sen theo hướng liên kết tiêu thụ bền vững; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác và mối liên kết mua chung, bán chung sản xuất ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng yêu cầu của thị trường...

TN - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu