Thứ sáu, 01/01/2021,07:21 (GMT+7)
Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa
Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
 
Ông Trần Tấn Lộc, ở ấp An Khương, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2018, ông được UBND xã Mỹ An mời dự hội thảo giới thiệu Quỹ đồng tài trợ tại xã do Nhóm Điều phối Dự án AMD huyện triển khai. Sau khi tiếp thu cơ bản nội dung của Quỹ đồng tài trợ, ông đăng ký xin tham gia Tổ nuôi tôm càng xanh ấp An Khương, xã Mỹ An và cùng tổ đăng ký thực hiện Quỹ đồng tài trợ với Ban phát triển xã.
 
Ông Lộc cho biết, ông được sự hướng dẫn nhiệt tình của Ban phát triển xã và cán bộ phụ trách xã của Nhóm Điều phối Dự án AMD huyện để viết tiểu dự án. Khi được xã sơ tuyển và được UBND huyện phê duyệt tiểu dự án, đến khi cấp vốn đầu tư cho tổ, ông rất vui mừng. Với sự tài trợ của dự án này, tổ nói chung và gia đình ông nói riêng có cơ hội đầu tư mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa, tạo sinh kế bền vững mà trước đây gia đình ông từng mong thực hiện.
 
Thời gian thực hiện tiểu dự án là 8 tháng, từ tháng 4-2018 đến tháng 12-2018, tổng số hộ tham gia 11 hộ, trong đó có 8 hộ nghèo, cận nghèo, 2 thành viên là phụ nữ, trong đó có 1 nữ là chủ hộ. Nhóm thực hiện mô hình canh tác với tổng diện tích là 5,5ha, tổng kinh phí đầu tư là 376 triệu đồng; trong đó, Dự án AMD tài trợ là 161 triệu đồng, vốn đối ứng của nhóm gồm tiền mặt 70 triệu đồng và hiện vật 145 triệu đồng để mua 275 ngàn con tôm càng xanh toàn đực giống và 770kg lúa giống, phần kinh phí còn lại dùng mua thức ăn tôm, thuốc nuôi tôm và phân bón lúa.
 
Tôm giống mua về tổ thuần trong ao đất hoặc trong vèo khoảng 2 tháng tuổi, khi lúa sạ cao khoảng 10 phân thì thả bung rộng ra ruộng lúa. Lúa được trồng bón rất ít hoặc không bón phân vô cơ do đang có nuôi tôm càng xanh xen, đồng thời lượng phân tôm và thức ăn tôm thừa tận dụng kết hợp làm phân hữu cơ bón lúa. Thức ăn nuôi tôm khi còn nhỏ cho ăn thức ăn viên công nghiệp, từ hơn 1 tháng tuổi xen thức ăn viên và thức ăn tự chế từ cám gạo, bắp, cá tạp. Con tôm càng xanh nuôi đến tháng thứ 3 và tháng thứ 6 thì bẻ càng. Lúa đến ngày thì thu hoạch, tổng sản lượng lúa của tổ thu được khoảng 20 tấn với giá bán khoảng 6 triệu đồng/tấn, doanh thu tiền lúa là 120 triệu đồng. Tôm càng xanh thu hoạch dần bằng hình thức tỉa thưa và thu hoạch lần cuối vào tháng thứ 8 được khoảng 4 tấn với giá bán 160 đồng/kg, doanh thu tôm là 640 triệu đồng.
 
Trong 8 tháng nuôi trồng kết hợp, tổ đem lại doanh thu lúa và tôm càng xanh 760 triệu đồng, trừ đi chi phí đầu tư ban đầu là 376 triệu đồng, tổng lãi của tổ là 384 triệu đồng, bình quân gần 35 triệu đồng/hộ. Hàng tháng, tổ tổ chức họp để sinh hoạt về kỹ thuật nuôi trồng tôm - lúa, cùng rút kinh nghiệm cho các thành viên trong tổ và đóng phí 10 ngàn đồng/hộ.
 
Qua kết quả trên cho thấy, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ giúp đỡ cho các hộ trong tổ nuôi tôm có điều kiện về đầu vào trong quá trình sản xuất để tạo thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Hiện tổ đã có 2 hộ thoát nghèo và nhiều gia đình cũng đã đăng ký thoát nghèo với địa phương. Ngoài ra, tổ còn nhân rộng mô hình cho 2 hộ nghèo khác ở cùng ấp với kinh phí 15 triệu đồng/hộ từ kinh phí đóng góp của 11 thành viên trong tổ. Các hộ ngoài tổ khi tham quan mô hình sản xuất đạt hiệu quả cũng đã nhân rộng khoảng 30 hộ nữa.
 
Theo ông Lộc, đây là mô hình kết hợp nuôi trồng cùng hệ thống sản xuất rất hiệu quả, đề nghị lãnh đạo địa phương cần nhân rộng mô hình này trên địa bàn các xã của huyện Thạnh Phú có điều kiện về thổ nhưỡng tương tự để các hộ nghèo, cận nghèo ít đất được vay vốn hoặc tài trợ từ các nguồn vốn khác thực hiện mô hình nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
 
Bên cạnh đó, về điều kiện giao thông trên địa bàn tại địa phương cũng còn khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất mô hình này trên địa bàn, tổ kiến nghị các cấp chính quyền hoặc các dự án tài trợ khác cần đầu tư đường giao thông vào các khu sản xuất tôm - lúa, vì hiện nay chỉ có các nhánh đường cái thì khâu vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ sản xuất giá cả chi phí sẽ giảm đáng kể, đồng thời giá bán nông sản thu hoạch không bị tư thương ép giá.
 
“Riêng các hộ dân còn nằm sâu trong các tuyến đường liên xóm, ấp có giao thông vận chuyển còn khó khăn và chưa hoàn thiện làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Rất mong được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các nhà tài trợ để người dân nơi đây có được cơ hội tiếp cận và giao thông được thuận lợi hơn”, ông Lộc đề xuất.
 
Bài, ảnh: Huyền Thu - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu