Sáng ngày 6-8, phản ánh với Báo SGGP, ông Lê Tấn Tài, ngụ ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết: “8 công ruộng lúa của gia đình tôi không thể sản xuất hơn 2 năm nay, bởi đất bị nhiễm mặn cao với gần 17‰. Cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn do đất bỏ hoang nên không có nguồn thu nhập”.
Ông Lê Tấn Tài, trước đây canh tác lúa 2 vụ/năm đảm bảo nguồn thu cho gia đình. Tuy nhiên hơn 2 năm nay từ khi đất lúa bị nhiễm mặn cao - do nuôi tôm tự phát, thì ruộng lúa của ông không còn sản xuất được
Ông Tài kể, vùng này xưa nay bà con canh tác lúa mỗi năm 2 vụ, với năng suất đạt khoảng 800 kg/công/vụ, lợi nhuận bình quân 2,5 triệu đồng/công/vụ, giúp người dân ổn định cuộc sống. Việc sản xuất lúa đang diễn ra bình thường thì đầu năm 2018, 5 hộ dân gần đó tự ý đào ao, dẫn nước mặn vào để nuôi tôm, mà không được ngành chức năng cho phép, cũng như không trao đổi với những hộ canh tác lúa phía bên trong. Do nuôi tôm liên tục, độ mặn tăng cao và nước mặn tràn sang đất lúa, khiến lúa không thể sống được. Từ đó, đẩy gia đình tôi vào cảnh làm thuê, làm mướn…
Cùng thiệt hại trên, bà Đặng Thị Bích Thủy, ấp Vĩnh Tây 1 thở dài: “Tôi có hơn 60 công đất, không nằm trong quy hoạch nuôi tôm nên hàng năm sản xuất 2 vụ lúa, đảm bảo cuộc sống ổn định. Thế nhưng, từ khi 5 hộ dân gần đó tự ý nuôi tôm, thì nước mặn bắt đầu tấn công sang khu vực đất lúa của gia đình tôi. Nước mặn càng lúc càng bao vây nhiều hơn, nên không thể trồng lúa được nữa, vậy là đành bỏ hoang...”.
Bức xúc trước việc những hộ gần đó tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trong vùng sản xuất lúa 2 vụ, phá vỡ hệ sinh thái ngọt và gây thiệt hại cho dân trồng lúa, ông Lê Tấn Tài và bà Đặng Thị Bích Thủy đã làm đơn gửi chính quyền địa phương yêu cầu ngăn chặn việc nuôi tôm, trả lại hệ sinh thái ngọt như ban đầu. Song mọi việc vẫn đâu vào đấy, tôm tiếp tục nuôi ầm ầm và đất lúa bị nhiễm mặn phải bỏ hoang mấy năm nay. Sau đó, ông Tài và bà Bích Thủy làm đơn khởi kiện những hộ nuôi tôm tự phát trên ra TAND huyện Vĩnh Thuận đề nghị bồi thường thiệt hại những năm qua. Tuy nhiên, vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Những hộ nuôi tôm tự phát, còn rào chắn lại, không cho các hộ trồng lúa phía bên trong lối đi
Chiều 4-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Võ Văn Kiệu, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phong nhìn nhận: “Khu vực này trước đây là để trồng lúa 2 vụ, không có quy hoạch nuôi tôm. Song, trước mức lợi nhuận hấp dẫn của con tôm mang lại nên một số hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm tự phát, gây thiệt hại cho những nông dân trồng lúa phía bên trong. Xã đã đưa ra bàn giải pháp tháo gỡ và tiến hành gặp gỡ 2 bên để trao đổi, thương lượng bồi thường thiệt hại cho những hộ trồng lúa…
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất được. Một trong những nguyên nhân là nhiều lần chính quyền địa phương và TAND huyện Vĩnh Thuận gửi thư mời những hộ nuôi tôm đến hòa giải, thương lượng nhưng họ không đi!".
Đất trồng lúa của gia đình ông Tài, bà Thủy bị nhiễm mặn nặng không thể canh tác lúa
Bà Đặng Thị Bích Thủy, búc xúc: “5 hộ dân gần đất trồng lúa của tôi tự ý nuôi tôm ngoài quy hoạch, gây thiệt hại đất lúa tràn lan, nhưng hơn 2 năm nay vẫn “làm lơ”, không một tiếng nói bồi thường nào. Chưa kể những hộ này xem thường pháp luật khi chính quyền địa phương và TAND huyện Vĩnh Thuận mời rất nhiều lần để hòa giải, thương lượng… nhưng họ không thèm đến. Chúng tôi kiến nghị cơ quan pháp luật có biện pháp xử lý”.
Theo bà Thủy, ngày 7-8 tới, TAND huyện Vĩnh Thuận tiếp tục mời các bên liên quan đến để hòa giải, tìm hướng xử lý, tuy nhiên chưa biết những hộ nuôi tôm tự phát này có đến hay không?
HUỲNH LỢI - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)