Thứ ba, 10/08/2021,15:31 (GMT+7)
Olympic 2024: Mong manh số phận boxing, cử tạ
Thể thao Trung Quốc giành đến 50% số huy chương vàng cử tạ tại Olympic Tokyo nhưng kỳ tích này khó được tái hiện trên đất Pháp sau 3 năm nữa
 
Những ngày tranh tài sôi động của thể thao thế giới vừa khép lại sau kỳ Thế vận hội ở Nhật Bản. Một chu kỳ mới lại sắp sửa diễn ra, lần này tại "kinh đô ánh sáng" Paris - Pháp. Olympic Tokyo 2020 diễn ra chậm 1 năm, đồng nghĩa với việc thế giới sẽ chỉ có 3 năm để chuẩn bị cho kỳ đại hội tiếp theo, kỷ niệm tròn 100 năm sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh trở lại với thủ đô nước Pháp - nơi tổ chức Olympic Paris 1924!
 
Việc quy định tuổi VĐV tham dự Olympic 2024 tuân thủ tiêu chuẩn của liên đoàn thể thao quốc tế từng môn. Đơn cử, tuổi thi đấu của VĐV môn boxing giới hạn từ 18-39 nhưng do Olympic Tokyo bị dời lại 1 năm nên giới hạn này cũng được nới thêm 12 tháng, cho phép võ sĩ Mira Potkonen ra sân ở độ tuổi 40 và giành huy chương ở 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp. 
 
Môn bóng đá nam vẫn chỉ dành cho lứa cầu thủ dưới 23 tuổi (thay vì U24 tại Olympic Tokyo), được bổ sung 3 cầu thủ độ tuổi bất kỳ. Tuổi tối thiểu dành cho các VĐV môn thể dục dụng cụ là 16 vào năm diễn ra Thế vận hội, không giới hạn độ tuổi tối đa. Trong khi đó, rất nhiều bộ môn không quy định "tuổi sàn", tiêu chí đã tạo điều kiện để VĐV 12 tuổi người Nhật Kokona Hiraki trở thành người trẻ nhất trong lịch sử giành được huy chương Olympic với tấm huy chương bạc môn trượt ván.
 
Theo thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và chủ nhà Pháp, Olympic 2024 sẽ có 32 môn thi chính thức với 306 nội dung thi đấu. Trong số này, loại hình mới toanh là vũ điệu đường phố (breakdance) sẽ lần đầu tiên có mặt trong chương trình thi đấu chính thức sau khi được giới thiệu tại kỳ Olympic trẻ 2018. 
 
Ba môn mới gồm lướt sóng, trượt ván và leo núi cũng sẽ tiếp tục được tranh tài tại Paris sau màn ra mắt ấn tượng tại Tokyo. Đặc biệt, môn lướt sóng sẽ không được tổ chức thi đấu tại Paris hay các khu vực phụ cận mà được đưa đến tận… đảo quốc Tahiti ở Thái Bình Dương, lập kỷ lục sự kiện được tổ chức bên ngoài thành phố đăng cai ở khoảng cách lên đến 15.700 km!

Olympic 2024: Mong manh số phận boxing, cử tạ - Ảnh 1.

Boxing cùng với cử tạ có nguy cơ bị loại khỏi Olympic Paris 2024. Ảnh: REUTERS
 
Cũng theo thông báo chính thức từ IOC, tổ chức quyền lực này được các quốc gia thành viên thông qua việc sửa đổi điều lệ Olympic theo hướng tăng thêm nhiều quyền hành. Đây là động thái đe dọa sự tồn tại của 2 môn boxing và cử tạ, từ việc cắt giảm số nội dung thi đấu cho đến khả năng bị loại khỏi chương trình tranh tài tại Thế vận hội dù đây là những môn thể thao chính thống.
 
Theo Phó Chủ tịch John Coates, IOC đang xem xét việc loại bỏ môn cử tạ vì vấn đề quản trị của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF) liên quan đến tham nhũng cùng với việc mất kiểm soát việc sử dụng doping trong suốt thời gian dài. Ngoài ra, theo IOC, các mẫu xét nghiệm lưu trữ qua 2 kỳ Thế vận hội 2008 và 2012 thể hiện 49 VĐV cử tạ có kết quả dương tính, nhiều hơn phân nửa số lần sử dụng doping ở tất cả các môn thể thao. 
 
Chưa rõ việc kiểm tra doping tại Olympic Tokyo ra sao nhưng không ai quên chuyện IWF năm 2017 từng cấm 9 quốc gia (Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Moldova, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ) tham dự các giải đấu quốc tế trong vòng 1 năm do có quá nhiều ca sử dụng doping bị phát hiện. Cử tạ Trung Quốc sau cú sốc vắng mặt tại Asian Games 2018 đã trở lại và lợi hại hơn khi thâu tóm 50% số huy chương vàng tại Olympic Tokyo. 
 
Rất nhiều trận đấu boxing tại Rio 2016 bị nghi ngờ và phải may mắn lắm, môn thi này mới tái xuất tại Tokyo 2020. IOC không chỉ xem xét thành tích của boxing tại Tokyo mà còn quan tâm đến cuộc bầu cử cùng những cải cách đang diễn ra tại Hiệp hội Boxing quốc tế trước khi quyết định phục hồi sự công nhận chính thức hay không.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu