Thứ sáu, 06/11/2020,10:19 (GMT+7)
Ông Ba “mạnh tông”
Là người thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng từ mía sang trồng tre mạnh tông bán măng hiệu quả nên hàng xóm đặt cho ông Ba Lời (Nguyễn Văn Lời), ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cái tên như vậy.
Ông Lời bên vườn tre mạnh tông.
 
Dẫn chúng tôi đi xem vườn tre mạnh tông xanh um, lấy tay bới từng gốc măng đua nhau mọc lên nhô nhố, ông Ba Lời cho biết diện tích vườn tre của ông là 22 công tầm ba thước, trong đó có 13 công đang thời kỳ ra măng cho thu hoạch từ 3 đến hơn 10 năm tuổi, số còn lại là mới trồng hơn một năm. Ông Lời cho biết trước đây diện tích này trồng mía, sau những năm cây mía không được giá, ông đâm ra rầu rĩ, bỏ hoang. Ban liếp thì không nỡ, còn nếu muốn lập vườn trồng cây ăn trái như thanh long, cam, bưởi… thì không kham nổi vì tuổi đã già. Mỗi ngày ra đồng, ông Lời ngẩn ngơ tính toán, “mình cũng phải trồng cây gì chẳng lẽ bỏ đất ở không”. Trong lúc còn đang bí lối thì ông chợt nhớ đến khoản tiền thu được hàng năm cả chục triệu đồng từ 2 công tre mạnh tông mà ông đã trồng từ năm 2005 đến nay. Rồi ông tự nghĩ cây tre cũng vốn nhiều giá trị thông dụng, măng tre thuộc nhóm rau sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng chế biến ra được nhiều món ăn ngon. Thân tre già có thể sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ gia dụng như giường, bàn, ghế cho đến những vật dụng làm nghề lờ, lợp, thúng, rổ, đũa, tăm xỉa răng, cừ nhà, cừ mé... vậy sao mình không trồng.
 
Ông Lời tự so sánh, trồng tre không tốn nhiều chi phí đầu tư như những cây khác, có điều giống cây trồng này cũng còn phụ thuộc vào thời tiết. Thường vào mùa mưa sẽ là điều kiện thuận lợi để tre phát triển mạnh vì có tính ưa nước, mùa thu hoạch của măng rơi vào từ tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch là vụ chính. Trung bình mỗi gốc tre mạnh tông cho khoảng 40-50 búp măng mỗi vụ, trọng lượng mỗi búp măng đạt từ 2-4kg/măng, giá bán ra cũng từ 8.000-35.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Nhận thấy với tính năng ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu hoạch quanh năm nên ông Lời quyết định bỏ mía trồng hết loài cây rễ chùm này.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Ba Lời cho biết trồng tre lấy măng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ngoài đủ nước thì chỉ cần cắt tỉa bớt cây sau mỗi đợt thu hoạch, theo dõi bón phân hợp lý, đặc biệt không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Để cây tre phát triển tốt, khỏe mạnh, khi mua giống về không nên trồng liền, mà phải ươm giống đến khi nhánh ra đủ lá mới đem đặt xuống đất vườn. Sau 2 năm trồng, nếu cây tre được bổ sung đầy đủ phân rác hữu cơ như cỏ khô, rơm rạ… nhằm tăng độ xốp và ẩm cho gốc thì không bao lâu măng sẽ nảy mầm liên tục, năng suất cũng được cao hơn. Bên cạnh đó, vào mùa nắng nóng cần cung cấp đủ lượng nước để cây ra măng, khi măng đã lên khoảng 3-4 tấc là bắt đầu thu hoạch. Khi thu hoạch xong nên cắt tỉa bớt phần tán lá cho thông thoáng và lấp đất lại để tạo điều kiện cho măng mọc tiếp ở phần thân ngầm sau khi đã cắt măng.
 
Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Lời nhận thấy cây tre ít bị sâu bệnh và gây thiệt hại khi ảnh hưởng thời tiết xấu. Có đều để đạt hiệu quả và năng suất, sau cuối vụ thu hoạch nên đốn cây tre già và nuôi dưỡng cây măng to, khỏe mọc ở ngoài để phát triển thành cây mẹ thay thế cho những cây tre đã già cỗi. Ông Lời cho rằng: “Trồng cây gì cũng cần có kỹ thuật và sự kiên trì chăm sóc và chờ đợi. Trồng tre lấy măng tuy mất nhiều thời gian mới cho “lộc”, nhưng nếu biết trồng xen canh để lấy ngắn nuôi dài thì nông dân không lo về nguồn thu nhập”.
 
Nhờ trồng tre lấy măng, bán thêm cây con giống mà những năm gần đây gia đình ông Lời có được nguồn thu nhập tăng lên hàng trăm triệu đồng. Đó cũng là kết quả đạt được khi ông chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, cho lợi nhuận cao.
 
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu