Các công trình liên quan đến BRI luôn đầy ấp công nhân Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Ông Biden lo ngại sáng kiến trên của Trung Quốc đã giúp mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế quốc tế của Bắc Kinh. “Chúng tôi đã thảo luận về Trung Quốc và sự cạnh tranh quyết liệt mà nước này can dự trong BRI. Và tôi đề nghị với ông Johnson rằng về cơ bản, chúng ta nên có một sáng kiến tương tự, với các quốc gia dân chủ hỗ trợ những cộng đồng cần được giúp đỡ trên toàn thế giới”, Tổng thống Biden nói với báo chí khi đến thành phố Wilmington, bang Delaware, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Johnson.
Đề xuất trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Biden tuyên bố trong buổi họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng rằng chính quyền của ông sẽ quyết ngăn cản mục tiêu tổng thể của Trung Quốc là vượt mặt Mỹ để trở thành “quốc gia lãnh đạo thế giới, giàu có nhất thế giới và hùng mạnh nhất thế giới”. Ông Biden cho rằng thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Bắc Kinh đang tìm cách xác lập sự thống trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, ông Biden cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm các công nghệ mới nhiều triển vọng như máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và sinh học để đảm bảo rằng Mỹ giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Ông Biden cũng muốn tăng cường đầu tư tái thiết cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và tạo cơ hội việc làm mà hãng tin Reuters cho biết có tổng giá trị lên đến 3.000-4.000 tỉ USD.
Người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã nỗ lực trong suốt nhiệm kỳ nhằm cản trở BRI. Chính quyền Trump khuyến khích khối tư nhân đầu tư vào các dự án ở nước ngoài để cạnh tranh với BRI. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn chưa thể thuyết phục các quốc gia khác, kể cả các đồng minh, rằng Washington có thể đưa ra một giải pháp thay thế hoàn toàn BRI. Do đó, trong vài năm gần đây có hơn chục nước Mỹ Latinh và 10 nước vùng Caribe tham gia sáng kiến này.
Gần như tất cả các nước Đông Âu và Nam Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tham gia các dự án thuộc BRI. Trước thực tế này, giới phân tích cho rằng chính quyền Biden và các đồng minh thay vì chỉ trích cần cạnh tranh sòng phẳng với BRI bằng những dự án đầu tư hiệu quả với chi phí phù hợp dành cho các nước đang phát triển trên khắp thế giới.
BRI là một kế hoạch cơ sở hạ tầng hàng ngàn tỉ USD, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động năm 2013. Ông Tập được cho đã đánh cược di sản của mình vào BRI, một chiến dịch sâu rộng nhằm “trẻ hóa” sự vĩ đại đã mất của Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư nước ngoài và quan hệ đối tác ngoại giao. BRI gồm nhiều sáng kiến phát triển và đầu tư trải dài từ châu Á tới châu Âu. Đã có 139 quốc gia, chiếm khoảng 40% GDP thế giới, có các dự án hoặc thỏa thuận đầu tư liên quan đến BRI. Phần lớn các nước tham gia sáng kiến này thuộc diện kém phát triển và đang trông chờ vào Trung Quốc để phát triển mạng lưới 5G, đường sắt, đường cao tốc, cảng biển và nhà máy điện.
Theo dữ liệu của Công ty dữ liệu tài chính và hạ tầng Refinitiv (Mỹ), tính tới giữa năm 2020, có hơn 2.600 dự án trị giá 3.700 tỉ USD liên quan tới BRI. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết trong năm ngoái, khoảng 20% số dự án BRI “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, BRI cũng đối diện với sự chỉ trích từ một số quốc gia, khi họ cho rằng các dự án đắt đỏ và không cần thiết làm tăng gánh nặng nợ quốc gia. Thật ra, chính quyền Bắc Kinh đã chủ động thu hẹp một số kế hoạch BRI sau khi một loạt quốc gia trên thế giới tìm cách xem xét, hủy bỏ hoặc giảm quy mô các cam kết đầu tư, với lý do lo ngại về chi phí, xói mòn chủ quyền quốc gia và tham nhũng. Nhiều dự án của BRI thậm chí bị cáo buộc là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh nhằm buộc các con nợ khánh kiệt tài chính phải bán những tài sản chiến lược cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo trên thế giới, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên về biến đổi khí hậu trong hai ngày 22-23/4 tới. Thông báo của Nhà Trắng ngày 26-3 cho biết hội nghị được xem là “một dấu mốc chủ chốt trên hành trình tới Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) dự kiến diễn ra tháng 11 năm nay tại Glasgow, Scotland, Anh. Thông báo của Nhà Trắng cũng cho rằng từ nay cho tới thời điểm diễn ra COP26, Mỹ sẽ công bố một kế hoạch tham vọng về mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. Ông Biden đã đảo ngược chính sách khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ bằng việc ký sắc lệnh hành chính đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu từ hôm 19-2.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam được đề cử làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ông Kritenbrink là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2017. Ông đã từng làm việc ở cả Nhật Bản và Trung Quốc. Nhà ngoại giao này cũng nói thông thạo tiếng Trung và tiếng Nhật. Nếu đề cử của Tổng thống Biden được Thượng viện Mỹ thông qua, ông Kritenbrink sẽ thay thế ông David Stilwell, người đã từ chức khi Tổng thống Biden nhậm chức ngày 20-1 và tiếp quản công việc tại Indonesia. Đông Á và Thái Bình Dương được coi là khu vực chiến lược mà Mỹ sẽ dành những nỗ lực ngoại giao đáng kể để điều phối các mối quan hệ với các quốc gia tại đây. Mỹ tiếp tục khẳng định duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên đều đang ở giai đoạn căng thẳng.
|
ĐỨC TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)