Thứ ba, 01/10/2019,22:34 (GMT+7)
Ôtô nhập lấn lướt xe lắp ráp trong nước
Tâm lý chuộng xe ngoại của người Việt khiến lượng xe nhập khẩu tăng nhanh, uy hiếp đến kỳ vọng phát triển ngành ôtô nội địa

Theo Tổng cục Hải quan, tổng số ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước với 96.000 chiếc, trị giá 2,1 tỉ USD, tăng 229% về lượng và 205,6% về trị giá.

Nhập siêu kỷ lục

Con số trên đã vượt qua kim ngạch nhập khẩu ôtô cả năm 2018 với 81.787 chiếc. Dự kiến, nhập siêu ngành ôtô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục với hơn 3,4 tỉ USD. Ngược lại, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng xe lắp ráp trong nước tháng 8-2019 chỉ đạt 12.594 chiếc, giảm 18% so với tháng trước. Cùng với đó, doanh số bán hàng 8 tháng đầu năm của xe lắp ráp trong nước giảm đến 14%, trong khi doanh số bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng 178% so với cùng kỳ.

Ôtô nhập lấn lướt xe lắp ráp trong nước - Ảnh 1.

Ôtô lắp ráp trong nước chịu sức ép ngày càng lớn từ xe nhập khẩu Ảnh: NGUYỄN HẢI

Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành Ôtô, cho rằng phần lớn khách hàng vẫn chuộng xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước bởi đánh giá xe nhập có chất lượng cao và ổn định hơn. "Nếu quy định liên quan đến nhập khẩu thông thoáng hơn, xe nhập khẩu sẽ về nhiều hơn với mức giá hấp dẫn hơn nữa" - ông Thân nhận định.

Khảo sát thị trường ôtô tại TP HCM cho thấy hầu hết các dòng xe đều giảm giá đáng kể, từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/chiếc. "Không giảm giá, khách sẽ bỏ đi nên giá gần như giảm liên tục từ đầu năm đến nay. Mọi năm, giá xe chỉ giảm trong tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) và tăng trở lại vào cuối năm nhưng năm nay đã qua tháng kiêng kỵ mà sức mua vẫn rất chậm" - ông Lê Hoài Sơn, chủ đại lý ôtô trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ nột hệ thống đại lý ôtô tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành khác, cho rằng xe nhập tràn về nhiều còn do các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, đại lý nhận định sai thị trường nên đã đặt hàng với số lượng tăng gần gấp đôi năm trước. "Năm ngoái, nguồn xe nhập khẩu khan hiếm, khách hàng phải đặt cọc nhiều tháng, thậm chí cả năm mới hy vọng nhận được xe. DN nhập khẩu, đại lý dự đoán nhu cầu sẽ tăng rất mạnh trong năm nay và đua nhập xe với số lượng tăng đáng kể. Chưa kể, các hãng xe lắp ráp trong nước cũng nhận định đây là thời điểm vàng nên ra sức tăng sản lượng; kết quả là xe dư thừa, phải giảm giá mới mong giải phóng hàng tồn" - bà Hiền thông tin.

Chính sách nào cho sản xuất trong nước?

Diễn biến thực tế cho thấy sức tiêu thụ trên thị trường không có nhiều lạc quan như các dự báo mới đây. Không chỉ DN nhập khẩu, kinh doanh xe mà cả DN sản xuất trong nước cũng gặp khó.

Một DN ôtô chia sẻ Việt Nam không có lợi thế về dung lượng thị trường như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, nhiều "ông lớn" đã và đang nhảy vào khai thác miếng bánh nhỏ bé này. Con đường cho các DN là phải hướng tới xuất khẩu cả linh kiện lẫn xe lắp ráp hoàn chỉnh bởi nếu không hướng ra thị trường bên ngoài thì dây chuyền sản xuất trong nước sẽ không thể đạt mức tối ưu để cạnh tranh về giá, thậm chí không thể vận hành được nếu thị trường quá nhỏ.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI), đặt vấn đề nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã làm thì sẽ vẫn không có ngành công nghiệp ôtô, như bài học 20 năm qua đã chứng minh. Đến nay chỉ có một số trường hợp đơn lẻ thành công. "Cần nhìn rõ công nghiệp hỗ trợ cho nền cơ khí là gì hay chỉ có ôtô? Chúng ta không sai khi tập trung làm phụ tùng ôtô nhưng phải làm rộng hơn, phải phát triển chế tạo kết cấu thép, nếu không sẽ không có xe con mà chỉ lắp thuê. Tuy nhiên, cốt lõi để cho ngành này thành công phải là thị trường, bên cạnh chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO), cũng cho rằng quan trọng nhất là phải xây dựng và bảo vệ thị trường phát triển một cách ổn định, hợp lý và phù hợp trong bối cảnh hội nhập. "Chúng ta cần thiết phải có thị trường lắp ráp trong nước và thị trường ôtô nhập khẩu. Cũng nên có một tỉ lệ để bảo đảm giá thành cạnh tranh, đồng thời có thể phát triển được công nghiệp trong nước" - ông Dương phân tích.

Ông Dương còn nhìn nhận nỗ lực của các DN hiện nay vẫn duy trì lắp ráp trong bối cảnh cạnh tranh về xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia rất khốc liệt bởi giá xe trong nước rất cao. Do vậy, ông chủ THACO kiến nghị bên cạnh đưa thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% thì tương ứng xe lắp ráp cũng nên về 0%. Bên cạnh đó, cần thiết có hỗ trợ của nhà nước trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, cụ thể là không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên các sản phẩm này cũng như xem lại mức thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng ở mức 10%-30% như hiện nay bởi hầu như DN phải nhập khẩu thép chế tạo do trong nước không sản xuất được.

Cần rà soát lại chính sách thuế

Theo ông Trần Bá Dương, quản lý làm sao tránh gian lận thương mại, bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh. Rất mong Bộ Công Thương có cuộc rà soát lại tất cả chính sách, đặc biệt là thuế, với xe lắp ráp để có được một chính sách bảo đảm thị trường ôtô trong nước phát triển. Ngoài ra, giải pháp liên kết các DN trong lĩnh vực cơ khí cũng cần được chú trọng.

Phương Nhung - Nguyễn Hải (nld.com.vn)
T/h: Minh Phúc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu