Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia đô thị, kiến trúc sư và nhà quản lý tập trung phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc công trình, giá trị văn hóa, con người Đà Lạt; nêu những khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn các giá trị di sản đô thị; chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị từ các địa phương trong nước và quốc tế… Qua đó, giúp địa phương xác định cơ sở nhận diện, xác định các yếu tố, đặc điểm để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản.
Các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận, Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy ba giá trị cốt lõi để xây dựng thành phố trở thành đô thị di sản, gồm: giá trị về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa, con người Đà Lạt.
Từ khi hình thành năm 1893, Đà Lạt được xây dựng với các tiêu chí về kiến trúc, giao thông và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đô thị du lịch, nghỉ dưỡng. Trải qua 126 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã có 5 bản quy hoạch đô thị chính thức, với đặc trưng “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” và được nhiều người ví von là “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố tình yêu”, hay “Tiểu Paris”… và được công nhận là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”; khí hậu trong lành, cảnh quan tươi đẹp, con người “thanh lịch, hiền hòa, mến khách.
Trong quá trình phát triển, chính quyền và nhân dân thành phố luôn chú trọng tôn tạo, phát huy những đặc trưng đó. Sự tổng hòa của các yếu tố cốt lõi là cơ sở để xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản.
Công trình kiến trúc Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được công nhận Di tích cấp quốc gia.
MAI VĂN BẢO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)