Thứ năm, 27/05/2021,07:13 (GMT+7)
Phát huy tiềm năng thúc đẩy nuôi trồng thủy sản
Biến đổi khí hậu (BÐKH), xâm nhập mặn đang ngày càng gây nhiều tác động tiêu cực cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, các hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn. Các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân phát huy tốt các tiềm năng trong NTTS nhằm ổn định sinh kế và nâng cao thu nhập.
Nhiều thuận lợi
 
NTTS đang ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL và cả nước nói chung. Trước đây, diện tích nuôi thủy sản của vùng chỉ ở mức khoảng 400.000ha, thì những năm gần đây diện tích đã tăng gấp đôi, sản lượng hơn 3 triệu tấn và đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng diện tích và sản lượng NTTS của cả nước.
Thu hoạch cá đồng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Thu hoạch cá đồng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
 
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước đạt 1,3 triệu héc-ta, với sản lượng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm trước. Trong đó, diện tích nuôi cá tra khoảng 5.400ha, với sản lượng đạt 1,5 triệu tấn và diện tích nuôi tôm các loại (tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh…) khoảng 736.000ha, với sản lượng đạt hơn 915.000 tấn. Hiện con cá tra và tôm chủ yếu được nuôi tại vùng ÐBSCL. Ðây cũng đang là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, giúp đem lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
 
Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực là con cá tra và tôm, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nghiên cứu sản xuất con giống nhân tạo, các địa phương vùng ÐBSCL đã phát triển nuôi ngày càng nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Các hình thức và mô hình nuôi thủy sản cũng được nghiên cứu, phát triển đa dạng như: nuôi trong hầm, ao, mương, nuôi vèo đặt trong ao, vèo trên sông, nuôi trên ruộng, nuôi trong bồn nhân tạo được xây dựng trên mặt đất, nuôi trong lồng bè đặt trên sông… Nhờ vậy, người dân có thể tận dụng tốt cả các diện tích mặt nước và khoảng đất trống để nuôi thủy sản. Với việc ứng dụng các bồn nhựa, bồn gỗ, xây bồn gạch trên mặt đất hay đơn giản là làm bể lót bạt cao su, hiện nông dân tại nhiều nơi không cần phải đào ao mà vẫn nuôi được nhiều loại thủy sản giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: lươn, ếch, ốc bươu đen, tôm thẻ… Bên cạnh nuôi thủy sản theo hướng chuyên canh, nông dân cũng chú trọng phát triển mô hình kết hợp giữa nuôi thủy sản và trồng trọt nhằm thích ứng tốt với các điều kiện sản xuất theo từng mùa vụ trong năm.
 
Hỗ trợ người dân
 
BÐKH, nước biển dâng và sự suy giảm lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đang có những ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng các loài thủy sản và việc phát triển NTTS tại vùng ÐBSCL. Song, vùng ÐBSCL vẫn có tiềm năng và triển vọng để phát triển nuôi cả các loại thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt nhờ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi tiên tiến, cũng như việc nhiều loại thủy sản nước ngọt có khả năng sống trong điều kiện môi trường nước bị mặn khá cao. Tuy nhiên, để phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả bền vững, ngoài yếu tố môi trường và kỹ thuật, thì rất cần đảm bảo về yếu tố kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm.
 
Cũng bởi giá cả đầu ra nhiều loại thủy sản còn thường xuyên bấp bênh, chưa đảm bảo cho người nuôi có lời nên nông dân tại nhiều địa phương chưa dám đẩy mạnh NTTS. Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng và nguồn con giống phục vụ cho NTTS tại nhiều địa phương cũng chưa được đảm bảo tốt. Ðồng thời, nông dân còn thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng để có thể nuôi đạt năng suất chất lượng, nhất là đối với các đối tượng nuôi mới. Người dân cũng gặp khó trong mở rộng quy mô NTTS do đòi hỏi vốn đầu tư lớn và phải thuê mướn nhiều nhân công lao động.
 
Việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa và nhiều lĩnh vực trồng trọt đã được thực hiện khá tốt nhưng hầu hết các khâu trong quá trình nuôi trồng, thu hoạch thủy sản vẫn chủ yếu thực hiện thủ công bằng tay, chứ chưa có các máy móc và thiết bị để thay thế cho sức người. Mặt khác, NTTS cũng dễ đối mặt với các rủi ro do thiên tai và dịch bệnh, cũng như do chất lượng nguồn con giống và thức ăn chưa đảm bảo…
 
Ðể vùng ÐBSCL phát huy được các tiềm năng và lợi thế trong NTTS, đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc để giúp nông dân vượt qua khó khăn và trở ngại trên. Ông Lê Văn An ngụ xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Thời gian qua, nhiều hộ dân tại địa phương chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm đã giúp nông dân có thể tăng cao lợi nhuận ít nhất 3-4 lần so với trước. Tuy nhiên, do giá tôm thường xuyên lên xuống nên nông dân dễ đối mặt với nguy cơ bị thua lỗ. Ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm”. Theo ông Lê Văn Phước ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cá tra là đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt chủ lực tại vùng ÐBSCL nhưng liên tục trong một thời gian dài giá cá tra nguyên liệu bị giảm thấp, với nhiều thời điểm trong năm 2020 giá chỉ ở mức 17.000-19.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ vốn từ 4.000-6.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Gần đây, giá cá tra đã tăng lên ở mức 21.000-21.500 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn còn bị thua lỗ. Hiện gia đình ông phải “treo” bớt 3/5 ao, chỉ duy trì 2 ao nuôi với mật độ thả nuôi thưa, cho ăn cầm chừng để chờ giá lên. Thế nhưng, giá cá tra chưa thấy tăng bao nhiêu mà gần đây giá thức ăn chăn nuôi đã liên tục tăng mạnh, càng khiến người nuôi cá tra thêm khó. Do vậy, người nuôi cá tra rất mong ngành chức năng quan tâm có sự vào cuộc quyết liệt để có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định và phát triển nghề nuôi cá tra.
 
Không chỉ có con cá tra mà giá cả đầu ra của nhiều loại thủy sản khác trong thời gian qua cũng thường xuyên bấp bênh. Giá cả do tình hình cung - cầu trên thị trường quyết định, vì vậy nếu làm tốt việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường về dự báo nhu cầu, công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất và liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị NTTS nhằm ổn định và mở rộng được thị trường tiêu thụ một cách bền vững, chắc chắn nghề NTTS tại ÐBSCL sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu