Chủ nhật, 15/12/2019,15:51 (GMT+7)
Phát huy vai trò báo cáo viên
Báo cáo viên là một trong những lực lượng nòng cốt của các cấp bộ Đoàn trong công tác nắm bắt tâm tư, tình cảm của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Vì vậy, báo cáo viên được ví như cầu nối giữa tổ chức Đoàn với thanh niên. Nhằm phát huy vai trò của lực lượng này, các cấp bộ Đoàn TP Cần Thơ thường xuyên tạo điều kiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên.
 
Cần trang bị kiến thức, kỹ năng
 
Anh Trương Thanh Tùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, là 1 trong 3 cán bộ vinh dự được tham gia Liên hoan Báo cáo viên toàn quốc, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11-2019. Anh Tùng chia sẻ: “Liên hoan thực sự là diễn đàn để tôi cập nhật, học hỏi kiến thức mới từ đồng nghiệp trong công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên. Rõ ràng trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, do đó  báo cáo viên cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng đối tượng của giới trẻ”. Trong quá trình tham gia các hoạt động của khuôn khổ liên hoan, anh được tham quan Trung tâm triển lãm tác hại của ma túy (TP Hồ Chí Minh), nghe báo cáo chuyên đề: “Lý tưởng của thanh niên trong thời đại ngày nay”, “Tình hình An toàn giao thông ở Việt Nam hiện nay”; “Tình hình Biển Đông trong giai đoạn hiện nay”. Đồng thời, tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng sinh hoạt “người truyền lửa”, giao lưu, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền miệng tại cơ sở. Đó là những trải nghiệm bổ ích để anh nghiên cứu ứng dụng những cách làm sáng tạo từ các đơn vị bạn, áp dụng vào công tác tuyên truyền, giáo dục tại đơn vị mình.
 
Theo anh Tùng, đại đa số báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn thành phố đều đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ học vấn, lý luận chính trị, có năng lực, kiến thức chuyên môn, hiểu biết nghiệp vụ tuyên truyền miệng, trách nhiệm với công việc và am hiểu địa bàn, nhanh nhạy trong nắm bắt tư tưởng của thanh niên. Tuy nhiên, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần có kiến thức tổng hợp tốt, tư duy nhạy bén, có nhiều sáng kiến trong phương thức tiếp cận, tuyên truyền cho ĐVTN. Vì vậy theo anh, bản thân báo cáo viên cần nỗ lực tự học, tự rèn để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Với hơn 4.100 học sinh, sinh viên nên công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Anh Nguyễn Trọng Hiếu, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ cho rằng do đặc thù là trường đào tạo nghề, đa số là nam nên công tác nắm bắt tư tưởng học sinh, sinh viên rất được chú trọng. Trong đó, cán bộ Đoàn cũng là đội ngũ báo cáo viên được Đoàn trường quan tâm cử đi tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; chủ động tiếp cận các bạn trẻ qua kênh mạng xã hội để theo dõi diễn biến tư tưởng, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các “thủ lĩnh” Đoàn cũng đều đặn tham gia hội nghị giao ban An ninh tư tưởng do Thành đoàn tổ chức hằng quý. Qua đó, giúp cán bộ Đoàn nắm vững các văn bản của Đảng- Đoàn cấp trên, kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến học sinh, sinh viên.
 
Học từ thực tiễn
 
Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn phường An Thới (quận Bình Thủy), từng đạt giải Ba hội thi báo cáo viên giỏi quận năm 2019, chia sẻ rằng các kỹ năng mềm: kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, thuyết phục đám đông là rất quan trọng. Theo Kiệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, công tác giáo dục thế hệ trẻ cần được quan tâm đúng mức và phải không ngừng đổi mới, phù hợp với thực tiễn. Đối với lực lượng báo cáo viên của tổ chức Đoàn, đây được xem là cầu nối để đưa các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đoàn vào cuộc sống. Muốn vậy, Kiệt cho rằng người báo cáo viên, tuyên truyền viên ngoài trình độ lý luận chính trị vững vàng, mà còn phải có kỹ năng và kiến thức thực tế. Điều đó đòi hỏi báo cáo viên phải “lăn xả” với thực tiễn cuộc sống để rèn luyện, trau dồi.
Các đại biểu tham gia Liên hoan Báo cáo viên toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh do Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ cung cấp.
 
Để làm tốt vai trò báo cáo viên, anh Kiệt tham gia nhiều đội, nhóm để hiểu rõ đời sống và nắm bắt tâm tư tình cảm của thanh thiếu niên; những trường hợp khó khăn, anh tìm cách vận động nguồn lực xã hội giúp đỡ kịp thời. Điển hình như làm cộng tác viên tư vấn cách phòng chống HIV/AIDS cho Dự án phòng chống HIV/AIDS của một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ; tham gia nhóm thiện nguyện “Nụ cười trẻ thơ”, tổ chức các hoạt động chăm lo trẻ em nghèo, trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Gần 7 năm tham gia các hoạt động này thực sự là bài học sinh động giúp anh có thêm trải nghiệm quý giá về công tác tiếp cận, chăm lo và hỗ trợ đối tượng thanh thiếu nhi yếu thế trong xã hội. Có kiến thức thực tế, kỹ năng tốt và chứng minh bằng những hoạt động chăm lo thiết thực cho thanh thiếu nhi nên những hoạt động, phong trào do Đoàn phường phát động đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của ĐVTN.
 
Để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hiện các cấp bộ Đoàn đều thành lập các đội báo cáo viên, tuyên truyền viên, tổ nắm bắt dư luận trong thanh niên. Đối với cán bộ Đoàn chuyên trách cấp thành phố, Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ cũng đã triển khai kế hoạch đi công tác cơ sở, giai đoạn 2018-2022. Theo đó, mỗi cán bộ Đoàn chuyên trách tại cơ quan Thành đoàn đi cơ sở tối thiểu 60 ngày (2 tháng) mỗi năm, với 4 nội dung trọng tâm: đi theo chuyên đề để điều tra, khảo sát, nắm bắt tình hình theo các lĩnh vực công tác; nghiên cứu, tìm hiểu tình hình đoàn viên, thanh thiếu nhi; đi để phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động tại cơ sở; thực hiện kiểm tra, giám sát; dự sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn, kỹ năng mềm cho các “thủ lĩnh” thanh niên nói chung và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
 
QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu